Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy học trực tuyến: Vẫn chưa áp dụng được đại trà

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các phương án dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Tuy nhiên, do mặt bằng chung chưa đồng đều vẫn xuất hiện những cách làm khác nhau.

Thầy Nguyễn Ngọc Quân với bài giảng sử dụng công nghệ. Ảnh: Bảo Trọng
Công nghệ làm “thầy giáo ảo”
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, thầy Nguyễn Ngọc Quân - giáo viên dạy môn Vật lý, trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho rằng, với việc dạy, học trực tuyến, phương án kiểm soát tốt nhất chính là lựa chọn công nghệ. Theo thầy Quân, hiện có nhiều phần mềm công nghệ có thể hỗ trợ giáo viên dạy trực tuyến, mỗi phần mềm đều có ưu, có nhược, có phần mềm hỗ trợ về thống kê, có phần mềm lại hỗ trợ về trắc nghiệm, do vậy, giáo viên phải chủ động lựa chọn phần mềm phục vụ tốt nhất cho mục đích giảng dạy.
Với môn Vật lý, thầy Quân lựa chọn phần mềm “Google Form”, bởi đây là ứng dụng giúp lưu trữ thông tin từ các cuộc khảo sát, có thể đánh giá số liệu một cách dễ dàng, thuận tiện. “Tôi đang dạy môn Vật lý lớp 9, các em sẽ thi trắc nghiệm, do đó, phần mềm Google Form sẽ giúp giáo viên làm chủ được các số liệu, có thể hình dung được năng lực, sở trường học sinh qua điểm số ở các mức độ câu hỏi. Ví dụ có em ở dạng câu hỏi này thì điểm số rất cao, ở dạng câu hỏi khác thì điểm số thấp, từ đó, giáo viên sẽ có đánh giá tiệm cận với khả năng từng học sinh” – thầy Quân dẫn chứng.
Cũng theo chia sẻ của thầy, hệ thống phần mềm được ghi nhận như các “thầy giáo ảo” trong đào tạo, hỗ trợ rất tích cực cho giáo viên trong công tác quản lý, kiểm soát và đánh giá năng lực học sinh. “Với phần mềm tôi đang áp dụng, ví dụ ra đề kiểm tra 45 phút, khi hết giờ, hệ thống kỹ thuật sẽ tự tắt chia sẻ link. Khi ấy, học sinh nếu đăng nhập sẽ phải làm bài từ đầu, và như vậy, hạn chế tối đa yếu tố chủ quan khi can thiệp nội dung bài kiểm tra” – thầy Quân nói thêm.
Tăng cường đề kiểm tra dạng mở
Lo ngại việc đánh giá kết quả kiểm tra trực tuyến có thể phát sinh yếu tố không khách quan, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, TP Hà Nội phân tích, cần lựa chọn ứng dụng công nghệ phù hợp và phương pháp ra đề kiểm tra mở.
Cụ thể, theo bà Hằng, hiện các cơ sở giáo dục quận Hà Đông sử dụng 2 hệ thống phần mềm của FPT và VNPT, đặc biệt với phần mềm của FPT, giáo viên có thể kiểm soát, đánh giá các bài thi của học sinh trực tiếp trên hệ thống. “Chỉ cần các giáo viên yêu cầu toàn bộ học sinh bật chế độ hình ảnh và âm thanh, qua đó, sẽ kiểm soát tốt tính tự chủ của từng học sinh, tránh việc làm bài cho nhau hoặc các phát sinh khác” – bà Hằng cho hay.
Bà Hằng phân tích thêm, để tránh những yếu tố thiếu khách quan, giáo viên có thể chủ động xây dựng phương án ra đề kiểm tra mở, với dạng đề này, việc “chép đáp án” của nhau là không thể, hay dễ bị “lộ” bởi đó là các mạch tư duy, phân tích, nhìn nhận riêng biệt của từng học sinh. Do chưa thể áp dụng đại trà tới toàn bộ học sinh về dạy, học trực tuyến, trên truyền hình, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cung cấp, khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục sẽ phải tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại và dạy bù cho những học sinh không tham gia các lớp học trực tuyến hay truyền hình.
Còn theo Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên, Hà Nội, Phòng đang yêu cầu các trường, giáo viên tổ chức rà soát sơ bộ và tham mưu phương án hữu hiệu cho từng bộ môn để lãnh đạo quận xem xét, đề xuất điều chỉnh phương án đào tạo cho phù hợp. Thực tế tại quận Long Biên, theo bà Hà, chỉ có gần 70% học sinh cấp tiểu học hay THCS tham gia các lớp học trực tuyến, do đó, giáo viên phải kết hợp nhiều biện pháp khác, như ôn tập, giao bài về nhà để củng cố kiến thức.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về phương án dạy học, đánh giá học sinh qua mô hình đào tạo trực tuyến, qua truyền hình. Tuy vậy, với huyện Ứng Hòa, hiện chưa áp dụng các bài kiểm tra thường xuyên (lấy điểm) từ việc dạy học trực tuyến. Theo ông Sơn, sau khi học sinh trở lại trường, các nhà trường sẽ lên phương án sàng lọc từng học sinh bằng việc tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá năng lực để có phương án đào tạo phù hợp.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội Bùi Thanh Sơn