Đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm kinh tế trọng điểm
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm kinh tế trọng điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 22/10, các đại biểu đã nghe Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo về công tác thi hành án.

Đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm kinh tế trọng điểm - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa; chống vi phạm pháp luật và tội phạm. (Ảnh : Nguyễn Dân/TTXVN)
 
Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội 

Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày khẳng định trong năm 2012, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. 

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, liên tục mở nhiều đợt cao điểm vận động quần chúng, tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự. Vì vậy đã tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước. 

Để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiềm chế sự gia tăng của vi phạm pháp luật và tội phạm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, biện pháp chủ yếu trong năm 2013.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới," Kết luận số 86-KL/TW ngày 5/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới" gắn với đẩy mạnh Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống buôn bán người giai đoạn 2012-2015.

Chính phủ cũng chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy. Tập trung đấu tranh mạnh với bọn tội phạm có hoạt động nổi lên trên các tuyến, địa bàn, các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm... 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án 

Báo cáo về công tác thi hành án do Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày nhấn mạnh, thực hiện Luật thi hành án dân sự năm 2008, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2012. 

Công tác phân loại án được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kết quả có nhiều tiến bộ hơn so với trước. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được coi trọng, một số vụ án lớn, phức tạp được tập trung giải quyết dứt điểm; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng cao... 

Công tác thi hành án hình sự sau hơn một năm triển khai Luật thi hành án hình sự đã đạt được kết quả tích cực. Hoạt động thi hành án hình sự đã cơ bản đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự. Các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sỹ làm công tác thi hành án dân sự đã chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. 

Để duy trì bền vững kết quả đạt được, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án, Chính phủ đã đề ra những giải pháp chủ yếu với công tác thi hành án dân sự là: tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án; chỉ đạo, đôn đốc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thi hành bản án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong toàn Ngành theo hướng rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành nhiệm vụ; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, gắn với việc thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; duy trì, phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương trong thi hành án dân sự. 

Những giải pháp trong năm 2013 trong công tác thi hành án hình sự được Chính phủ đề ra là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành Luật thi hành án hình sự; chỉ đạo các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát cùng cấp trong việc chuyển giao, tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án hình sự; tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức cơ quan thi hành án hình sự các cấp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra hướng dẫn các Trại giam, Trại tạm giam thực hiện nghiêm các quy định về chế độ giam giữ, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; tiếp tục cải thiện điều kiện giam giữ, ăn ở, sinh hoạt đối với phạm nhân, đổi mới các chương trình, nội dung giáo dục, dạy nghề cho các phạm nhân tại các Trại giam, Trại tạm giam... 

Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã nghe các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.