Là xã điểm NTM của huyện Phú Xuyên, xã Đại Thắng có nhiều chương trình phát triển sản xuất hàng hóa như dự án 150ha lúa chất lượng cao, 35ha lúa cấy bằng máy trong vụ Mùa 2012 cùng nhiều mô hình chăn nuôi, thủy sản. Để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, từ đầu năm đến nay, UBND xã Đại Thắng đã tổ chức được 10 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa hàng hóa, nuôi trồng thủy sản và làm mạ khay, cấy bằng máy cho khoảng 1.000 người. Ngoài ra, xã còn tổ chức 4 lớp đào tạo nghề cơ khí và may công nghiệp cho 200 LĐNT.
Ông Nguyễn Đức Soát, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng cho biết, nhờ được đào tạo, hiệu quả sản xuất tăng lên kéo theo thu nhập đầu người tăng. Hiện, thu nhập đầu người trên địa bàn xã Đại Thắng đạt 18 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,5% năm 2011 xuống còn 2,9% hiện nay.Cùng với xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác dạy nghề, nâng cao thu nhập cho người nông dân ở nhiều xã, thị trấn.
Hướng dẫn sử dụng máy cấy xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 9 vừa qua, Phòng LĐTB&XH huyện Phú Xuyên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 4 lớp đào tạo nghề trồng nấm, mộc nhĩ, chăn nuôi, thủy sản cho hơn 100 LĐNT của xã Văn Hoàng. Sau khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ và có thêm kiến thức để phát triển kinh tế gia đình.Theo UBND huyện Phú Xuyên, thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT, huyện đã chủ động xây dựng đề án đào tạo nghề trên địa bàn đến năm 2020. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Phú Xuyên đã mở 58 lớp dạy nghề cho gần 2.000 LĐNT và 11 lớp khuyến công cho 750 người tại các xã, thị trấn. Nhờ đó, nhiều lao động đã có việc làm, góp phần tăng thu nhập và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.
Ông Chu Phú Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, toàn huyện hiện có gần 100.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó số lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề chiếm tới hơn 77%. Huyện đặt ra mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng từ 2.100 - 2.200 LĐNT.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, gắn dạy nghề với công tác xóa đói, giảm nghèo. Cơ cấu ngành nghề đào tạo theo hướng tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thương mại, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.