Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh giao thương, kết nối cung cầu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, DN Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết vùng miền, qua đó tạo cơ hội cho các địa phương quảng bá, tiêu thụ đặc sản, đồng thời đưa Hà Nội trở thành cầu nối kinh tế, phân luồng hàng cho các tỉnh phía Bắc.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thăm các gian hàng tại Hội chợ đặc sản vùng miền tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2017.
Đưa hàng địa phương về Hà Nội
Với phương châm “Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội”, UBND TP Hà Nội đã đẩy mạnh giao thương, hợp tác với các địa phương trong cả nước qua đó hợp tác khai thác tiềm năng, thế mạnh hỗ trợ cùng phát triển. Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cho 400 lượt DN tham gia các chương trình liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua đó ký kết hơn 350 biên bản, hợp đồng kinh tế cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm các tỉnh, TP cho thị trường Hà Nội. Đồng thời hỗ trợ 20 tỉnh, TP xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết đầu tư sản xuất và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương.
Việc Hà Nội tổ chức các chương trình liên kết đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp DN chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt phần nào khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản
Bước sang năm 2017 - 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La... tổ chức các Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền, tại đây các DN bán lẻ Hà Nội đã ký kết 400 biên bản, ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ sản phẩm trị giá 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội) với DN các tỉnh, TP. Đồng thời đã hỗ trợ DN các tỉnh xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho 250 dòng sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về Hà Nội tiêu thụ trong hệ thống siêu thị. Qua đó tạo cơ hội cho DN các tỉnh giới thiệu sản phẩm vào hệ thống phân phối nước ngoài như Hệ thống Aeon (Nhật Bản); Central Group (Thái Lan); Coop, Conad (Italia)…

Trong thời qua, TP Hà Nội đã mở rộng triển khai hoạt động kết nối cung - cầu tới các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ... Hoạt động này giúp các DN Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, tiến hành khai thác thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.

Giúp hình thành các chuỗi liên kết

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, TP, tuy nhiên, thực tế hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các địa phương vẫn còn nhiều rào cản. Cụ thể, trong quá trình kết nối tìm nguồn hàng, DN bán lẻ gặp không ít khó khăn khi nguồn cung ứng các tỉnh không đáp ứng được lượng cầu hàng hóa lớn, chất lượng không đồng đều. Nguyên nhân là do hầu hết các tỉnh có rất ít DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất.

Để chương trình kết nối ngày càng hiệu quả trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiến nghị, các cấp chính quyền cần song hành với DN, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, UBND TP và các tỉnh cần chủ động trong việc thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... thông tin đầu mối liên hệ để phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, tổng kết kết quả thực hiện. Đồng thời rà soát, xây dựng danh sách các DN sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương, cung cấp cho Sở Công Thương Hà Nội để thông tin tới DN bán lẻ Hà Nội.
Ngoài ra các tỉnh nên đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của Thủ đô Hà Nội (điện tử, da giày, dệt may, cơ khí, thực phẩm chế biến; thủ công mỹ nghệ...); hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác, đa dạng nguồn hàng nông sản thực phẩm, thủy hải sản, đặc sản các tỉnh, TP đưa vào thị trường Hà Nội tiêu thụ.

Từ nay đến hết năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội xây dựng trang thông tin điện tử, kết nối quảng bá trái cây của TP và các tỉnh, TP bằng 5 thứ tiếng nhằm hỗ trợ quảng bá trái cây trên toàn quốc và xúc tiến tiêu thụ tại thị trường nước ngoài. Dự kiến, cuối quý III - đầu quý IV/2018, sẽ tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP phục vụ chương trình Bình ổn thị trường năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng