Sáng 26/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Ngoại giao Đan Mạch Lina Gandlose Hansen đã đồng chủ trì Tham vấn chính trị lần thứ 2 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đan Mạch nhằm trao đổi về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá quan hệ Việt Nam - Đan Mạch đã đạt được những bước phát triển tích cực trong nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt thông qua tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, hợp tác chặt chẽ ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Các chuyến thăm thành công của lãnh đạo cấp cao hai nước, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Đan Mạch Frederik (nay là Nhà vua Đan Mạch) vào năm 2022 và chuyến thăm Đan Mạch của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vào năm 2023 đã tạo cơ sở làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện cũng như triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh vừa mới thiết lập giữa Việt Nam và Đan Mạch.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam coi trọng củng cố và đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác Đối tác toàn diện với Đan Mạch, đặc biệt chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên chiến lược giữa hai bên.
Bày tỏ vui mừng thực hiện chuyến thăm Việt Nam, Quốc Vụ khanh Lina Gandlose Hansen nhấn mạnh, Chính phủ Đan Mạch coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và sẵn sàng mở rộng hợp tác hiệu quả thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, tạo nền tảng vững chắc nhằm mục tiêu nâng tầm quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
Bà Lina Gandlose Hansen đánh giá cao chủ trương, chính sách và biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Quốc vụ khanh Lina Gandlose Hansen chia sẻ, là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu, Đan Mạch mong muốn hai bên tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư sang nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực Đan Mạch giàu kinh nghiệm và có thế mạnh, đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước, hỗ trợ hai nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình thế giới biến động.
Trao đổi về các phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, hai Bộ Ngoại giao nhất trí thúc đẩy duy trì trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch hành động trong các khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và Đối tác chiến lược Xanh; tổ chức hiệu quả các hoạt động tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, phát huy vai trò kết nối hợp tác hiệu quả giữa các Bộ, ngành và cơ quan, tổ chức hai nước.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Đan Mạch và tại các diễn đàn liên nghị viện, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Về lĩnh vực trọng tâm thương mại - đầu tư, hai bên nhất trí thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đặt biệt là triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn mang tính lan tỏa trong các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, năng lượng tái tạo…, phù hợp với các ưu tiên và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị phía Đan Mạch có tiếng nói thúc đẩy Quốc hội các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), qua đó tạo thuận lợi cho hợp tác đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa hai bên; ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời hỗ trợ Việt Nam phát triển nuôi trồng thủy hải sản hướng tới nghề cá bền vững.
Thứ trưởng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với phía Đan Mạch sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động Đối tác chiến lược Xanh trên tinh thần Tuyên bố chung đã được Thủ tướng hai nước thông qua vào tháng 11/2023; mong muốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả với Đan Mạch trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); hoan nghênh đề xuất của phía Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng, triển khai mục tiêu giảm phát thải nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 và COP 28; đề nghị Đan Mạch triển khai các dự án cụ thể nhằm hỗ trợ các vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long
Đánh giá cao việc hai bên thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, Quốc Vụ khanh Lina Gandlose Hansen cho biết, Đan Mạch mong muốn hai bên sớm cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Xanh thành các Kế hoạch hành động theo từng giai đoạn, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ triển khai hiệu quả Chương trình Hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3) cũng như trong khuôn khổ JETP, qua đó hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Quốc vụ khanh Ngoại giao Đan Mạch hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 về việc giảm phát thải về 0 vào năm 2050, đánh giá cao các cơ hội hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Đan Mạch và Việt Nam tham gia.
Bà Lina Gandlose Hansen khẳng định, với thế mạnh là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về năng lượng tái tạo, Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) đã công bố tại COP 28, tập trung vào hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách, triển khai các dự án phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Hai bên nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam và Đan Mạch khi cùng là thành viên sáng lập của Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) và nhất trí phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh P4G được Việt Nam đăng cai vào năm 2025.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Lina Gandlose Hansen đã trao đổi các phương hướng và biện pháp triển khai các thỏa thuận hợp tác đã có và đề xuất các hoạt động hợp tác mới giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, giao thông – vận tải, giao lưu nhân dân…, góp phần đảm bảo hợp tác hiệu quả và thiết thực trên mọi lĩnh vực theo khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện.
Hai bên dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như những điểm nóng xung đột ở khu vực Gaza, Biển Đỏ, giữa Ukraine và Nga.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh ủng hộ lập trường và vai trò trung tâm của ASEAN về đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biền pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982./.