Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội phạm vi toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch thế giới: Số lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 4,1% trong giai đoạn 1990- 2015, từ 435 triệu lượt lên 1,2 tỷ lượt, dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 1,8 tỷ lượt.
Nhiều năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khá cao, đang dần chuyển dịch cơ cấu theo hướng chất lượng, hiệu quả với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 51,6 lần (từ 0,25 triệu năm 1990 lên 12,9 triệu năm 2017). Năm 2000, tổng thu từ khách du lịch đạt 17.400 tỷ đồng, năm 2017, ứng thu từ khách du lịch đạt 510.000 tỷ đồng. Sau 17 năm, tồng thu từ khách du lịch tăng hơn 29 lần. Có thể nói, đạt được kết quả tăng trưởng đáng khích lệ đó có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Trong những năm qua, nhiều chủ trương chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ du lịch phát triển cũng như công tác xúc tiến du lịch như: Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, chính sách miễn visa và visa điện tử...
Tuy nhiên, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn nhiều điểm tồn tại, hạn chế như: Chưa có nghiên cứu thị trường cơ bản; nguồn lực cho xúc tiến du lịch thiếu và yếu; Tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam với hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn định, thông điệp chưa rõ ràng; tham gia của các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động và ổn định; Tổ chức roadshow thiếu đại diện xúc tiến ở nước ngoài; Chưa mời được đúng, đủ đối tượng các hãng truyền thông, lữ hành outbound cửa nước ngoài; nhận thức về E-marketing chưa đầy đủ; in và phát hành các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá còn theo lối mòn; chưa hình thành một cơ chế, kênh trao đổi thông tin để có sự trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa T.Ư, địa phương, hiệp hội và DN…
Để công tác quảng bá, xúc tiến đạt hiệu quả trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có bộ giải pháp huy động nguồn lực và phối hợp hoạt động giữa các chủ thể gồm: Đẩy mạnh phối hợp hiệu quả công - tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo đột phá trong phương thức huy động các nguồn lực cho xúc tiến. Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn du lịch, huy động nguồn lực từ nhiều nguồn cho quãng bá, xúc tiấn du lịch. Đồng thời, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch. Mặt khác, cần đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa du lịch với hàng không và các hội nghề nghiệp trong hoạt động xúc tiến du lịch.
Song song với đó, phải cơ cấu lại định hướng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trường mạnh trong những năm tới. Duy trì tốc độ phát triển ổn định của các thị trường truyền thống, đặc biệt là các thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; Đầu tư mạnh hơn, đảm bảo hiệu quả vào các thị trường chi tiêu cao như: Châu Âu, Úc, Mỹ.
Bên cạnh đó, cần phải đổi mới cả về nội dung và phương thức tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch. Cần điều chỉnh các phương thức, công cụ xúc tiến, quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, ưu tiên các công cụ tác động nhanh, trực tiếp, chi phí thấp; sử dụng hiệu quả hơn các hoạt động e-marketing (trang website, các trang mạng xã hội, ứng dụng cho thiết bị cầm tay)…