Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn bền vững; đẩy mạnh công tác khuyến nông, phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất chè an toàn giữa doanh nghiệp và nông dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương, đặc biệt là cấp xã; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ảnh minh họa.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước: Chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp chế biến chè khi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sản xuất nông sản an toàn. Có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích sản xuất chè an toàn.
Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, năm 2012, trung tâm đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các xã Thuần Mỹ, Yên Bài (Ba Vì) và xã Bắc Sơn (Sóc Sơn) với quy mô 155ha và trồng mới 25ha chè. Trung hỗ trợ 100% kinh phí mua giống chè chất lượng, 30% kinh phí vật tư phân bón và thuốc BVTV, 50% giá trị máy móc và 100% kinh phí đào tạo, tập huấn, tham quan học tập.
Chương trình “Vì sản phẩm chè an toàn, sản xuất chè có trách nhiệm” đang được Hiệp hội Chè Việt Nam thực hiện với việc đào tạo và giới thiệu các chứng nhận quốc tế cho một số địa phương trọng điểm, truyền thông về sản xuất an toàn, hỗ trợ đào tạo sản xuất bền vững; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thiện các chính sách và văn bản pháp quy liên quan đến VietGap chè; tăng cường trồng mới và thay giống, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp…
Việt Nam là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới (sau Kenya, Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka), đứng thứ 2 về sản xuất chè xanh (sau Trung Quốc). Diện tích trồng chè cả nước hiện đạt 124.000 ha, sản lượng năm 2012 đạt 210.000 tấn; trong đó 160.000 tấn (76%) dành cho xuất khẩu đạt kim ngạch 243 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của chè Việt là Pakistan, Đài Loan, Indonesia, Nga, Trung Quốc, Afghanistan, Mỹ, Iran, Ba Lan, Malaysia.