Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung

Đức Toàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu sẽ là nội dung chất vấn quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Công Thương vào ngày 16/3.

 Tuy nhiên, những biện pháp để ổn định thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương đã được nhìn nhận là sự nỗ lực tích cực. Trong khi đó, trách nhiệm kiểm soát tình hình xăng dầu không chỉ ở Bộ này mà còn ở nhiều Bộ, ngành có liên quan, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ hơn.

Trong báo cáo kinh tế mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho thấy thị trường dầu sẽ tiếp tục khó khăn trong vài tháng tới khi bắt đầu thấy hầu hết các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga được áp dụng. Đánh giá chung của giới quan sát là cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã phần nào tiếp sức cho thị trường dầu mỏ đang tăng do nguồn cung khan hiếm.

Trách nhiệm không của riêng ai

Còn tại thị trường trong nước, theo BCSI, sản lượng khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm do suy kiệt các mỏ lâu năm. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu dự kiến tăng trên 3%/năm trong giai đoạn tới. Điều này sẽ khiến lượng nhập khẩu dầu thô có xu hướng ngày càng tăng.

Theo giới chuyên gia, khó khăn chung hiện nay là trên thị trường thế giới các vấn đề địa chính trị, dịch bệnh thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Nhất là nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước áp dụng các biện pháp phục hồi kinh tế, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu trong việc cạnh tranh để tiếp cận nguồn cung trên thế giới với giá hợp lý để nhập khẩu bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Chính vì thế, từ những yếu tố khách quan đã nêu trên, liên quan đến việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội vào ngày 16/3 xoay quanh vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành giá xăng dầu, cần phải thấy rằng những biện pháp để ổn định thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương trong thời gian qua là cả một nỗ lực rất lớn.

Tuy vậy, việc kiểm soát tình hình xăng dầu không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà còn cần ở sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Hay như việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu xăng dầu, ngoài trách nhiệm của Bộ Công Thương thì còn cần ở sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Chẳng hạn như Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.

Còn Bộ Tài chính thì có thể rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (kiến nghị này cũng đã được Bộ Công Thương đề xuất trong các báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội).

Nỗ lực lớn giữa khó khăn chung

Như lưu ý của Ts. Võ Trí Thành, Viện trưởng của BCSI, các bộ, ngành liên quan cần bám sát diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều hành phù hợp (trong điều hành giá xăng dầu trong nước và các biện pháp tạo điều kiện về nhập khẩu như mở hạn mức tín dụng, thủ tục hải quan...) nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Cũng theo Ts. Thành, để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục trong thời gian vừa qua thì vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và năng lực chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là rất đáng ghi nhận.

Đơn cử như việc xảy ra tình trạng cục bộ tại một số địa phương phía Nam (như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai, Tp.HCM) có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công Thương đã liên hệ với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn và kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hoặc có thể ghi nhận việc Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Điển hình là tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Tổng công ty xăng dầu quân đội, Tổng công ty hóa dầu quân đội, Công ty Hải Hà, Hải Linh, Hòa Khánh, Thiên Minh Đức, Dương Đông, Nam Phúc, Hồng Đức… (chiếm trên 95% thị phần với khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay.

Không chỉ vậy, từ chỉ đạo của Bộ Công Thương thì các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch) để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Chưa kể, vào đầu tháng 3/2022, Bộ Công Thương còn có công văn đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (thuế, chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển...) cho phù hợp.