Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTG (gọi tắt là Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách kịp thời và đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Song bên cạnh những kết quả đạt được, 2 năm qua, việc thực hiện đề án này trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bài 1: Khởi đầu không dễ
Vướng từ khâu hướng dẫn đến việc mở lớp dạy nghề, chất lượng, đầu ra cho lao động là những thách thức mà nhiều địa phương đang phải đối mặt khi triển khai Đề án 1956.
Khó mở lớp dạy nghề
Đề án 1956 mở ra cơ hội cho người nông dân được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập. Nhưng không phải địa phương nào cũng mở được lớp dạy nghề. Theo số liệu từ Phòng LĐTB&XH huyện Quốc Oai, từ đầu năm 2011 đến nay, huyện mới chỉ mở được 6 lớp cho 210 lao động. Trong đó có 2 lớp dạy may công nghiệp ở xã Yên Sơn, Đồng Quang; 1 lớp mây tre đan ở xã Sài Sơn, 1 lớp hàn ở xã Tuyết Nghĩa và 2 lớp nấu ăn. Ông Phùng Quốc Tuệ, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Quốc Oai cho biết, việc tuyển sinh để mở lớp nghề hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là nhiều người dân còn chưa mặn mà với việc đi học do thu nhập từ nghề còn thấp. "Họ có thể đi làm thợ xây, phụ hồ, buôn bán cũng được 150.000 - 200.000 đồng/ngày, thời gian không bó buộc trong khi thu nhập từ nghề phụ chỉ được khoảng 40.000 - 50.000 đồng/ngày" - ông Tuệ cho biết.
Còn nhiều khó khăn khác cản trở việc mở lớp dạy nghề ở các địa phương. Đơn cử, xã thuần nông Phụng Châu của huyện Chương Mỹ có 10.000 nhân khẩu, trong đó 1/3 là lực lượng lao động trẻ nhưng lớp dạy nghề cũng chưa thu hút được nhiều người dân. Ông Phạm Quang Định, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Châu cho biết, xã có nghề chế tác đá truyền thống ở hai thôn Long Châu Miễu và Long Châu Sơn. Đây cũng là ngành nghề cho thu nhập khá và nhiều người muốn học. Tuy nhiên, do không có địa điểm bến bãi để tập kết vật liệu nên nhiều hộ tập kết ra hai bên đường quốc lộ 80, gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại và môi trường. Chính vì vậy, xã chưa thể mở lớp dạy nghề.
Ông Đặng Viết Huệ, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Chương Mỹ chia sẻ, trình độ tay nghề, nhận thức của người nông dân còn hạn chế nên dễ sinh tâm lý chán nản khi học nghề. Mặt khác, vấn đề tiêu thụ sản phẩm của các nghề được học còn khó khăn và giá cả không ổn định cũng khiến cho nhiều lao động băn khoăn khi đăng ký học nghề.
Vướng cơ chế
Theo phản ánh của nhiều địa phương, việc triển khai chương trình dạy nghề theo Đề án 1956 chậm ngoài lý do người dân không mấy mặn mà còn có nguyên nhân vướng mắc từ cơ chế thực hiện. Ông Đặng Viết Huệ cho rằng, do chưa có kinh phí cho cán bộ làm công tác dạy nghề nên một số địa phương chưa quan tâm tới công tác này. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ chỉ có một số xã làm tốt như Phú An Nam, Hoàng Diệu, Nam Điền, Thượng Vực, Văn Võ… còn lại hầu hết các xã chưa quan tâm.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ dạy nghề hiện vẫn còn thấp. Lao động sau khi học nghề gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất. Chị Nguyễn Thị Thắng, chủ cơ sở dệt len Thắng Hội, thôn Phương Bản, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ chia sẻ: Bình quân mỗi lao động dệt được 5 áo len/ngày, cho thu nhập khoảng 50.000 đồng. Nhưng nếu có tiền đầu tư máy dệt, mang về nhà làm thì thu nhập cao hơn (120.000 - 150.000 đồng/ngày). Song để mua một chiếc máy dệt, người dân phải bỏ ra 15 triệu đồng, nhiều chị em sau khi học nghề không có điều kiện mua máy.
Một điều bất cập nữa là hiện mạng lưới cơ sở dạy nghề của Hà Nội chủ yếu tập trung ở khu vực các quận nội thành. Còn ở khu vực nông thôn, nhất là các huyện cách xa trung tâm thành phố, số lượng cơ sở dạy nghề rất ít, quy mô dạy nghề còn nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của nông dân. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động thiếu cả về số lượng và chất lượng; thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước còn hạn chế, người lao động còn lúng túng trong việc chọn nghề để học…
Thực tế cho thấy, việc triển khai Đề án 1956 chậm là do nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền tới các tổ chức, đoàn thể và đông đảo người lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn thiếu sự nhiệt tình vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội và bản thân người lao động. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ địa phương. Việc đưa ra các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu cũng là một yếu tố quan trọng. Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan được giao trách nhiệm triển khai Đề án 1956 cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, thủ tục, kinh phí… Trong đó, đặc biệt chú ý tới cơ chế hỗ trợ học nghề, liên kết để tạo đầu ra cho lao động và sản phẩm nghề.
Công tác tuyên truyền, vận động nông dân theo các mục tiêu của Đề án cần phải được tăng cường cả về quy mô và các hình thức. Các hoạt động cần phải được triển khai một cách kiên trì, bền bỉ trong thời gian đủ dài thì mới có hiệu quả. Thực tế hiện nay, hiệu quả tuyên truyền mới chủ yếu tác động đến nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức; còn đối với nông dân hiệu quả mang lại mới chỉ ở bước đầu. Ông Lều Vũ Điều Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam |
Bài 2: Đào tạo theo nhu cầu