Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy nghề gắn với phát triển làng nghề

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn các lao động nông thôn (LĐNT) tại huyện Phúc Thọ sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đã vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng đã học vào lao động, sản xuất góp phần tăng thu nhập, đời sống được nâng cao.

Có việc làm ngay khi học nghề
Những ngày này, xưởng mộc nhà anh Đỗ Văn Tính tại cụm 1, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ luôn rền vang tiếng máy cưa xẻ gỗ, bào sản phẩm… để kịp trả hàng cho khách. Khu xưởng rộng chừng 250m2 quá nhỏ bé so với số lượng gỗ nguyên liệu và thành phẩm. Ông chủ trẻ Đỗ Văn Tính vui vẻ dẫn khách đi thăm những sản phẩm đang chờ xuất xưởng, cho hay: “Tôi tham gia lớp đào tạo nghề mộc dân dụng do huyện Phúc Thọ tổ chức từ tháng 11/2017 đến tháng 2/2018 cho các LĐNT. Trước khi đi học, tôi làm tại xưởng mộc của nhà, thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Khi học nghề, do nắm bắt được các kỹ thuật, khả năng tay nghề được nâng cao nên thu nhập tăng thêm thành hơn 4 triệu đồng”.
Các học viên đang thực hành cắt may áo sơ mi cổ Đức tại xưởng sản xuất của Công ty Hương Giang. Ảnh: Thủy Trúc
Không chỉ phát triển sản xuất quy mô xưởng mộc gia đình, nhà anh Tính còn nhận các hội viên nông dân tham gia lớp đào tạo nghề cho LĐNT vào làm việc. Anh Nguyễn Phú Ninh đến từ cụm 2, xã Liên Hiệp phấn khởi chia sẻ: “Ngày trước, tôi đi phụ đánh giấy giáp cho xưởng mộc nhỏ nhà ông chú, tiền công ngày chỉ được 80.000 đồng. Năm 2017, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu, tôi đăng ký học lớp mộc dân dụng theo chương trình đào tạo nghề cho LĐNT. Nhờ có kiến thức về máy móc, cắt xẻ gỗ, tôi được gia đình anh Tính nhận vào làm việc tại xưởng. Từ thợ phụ chỉ biết đánh giấy giáp, đến nay tôi đã cắt xẻ gỗ, đóng tủ... lương tháng 4,2 triệu đồng”. Không chỉ nghề mộc dân dụng, nhiều lao động học nghề Mộc mỹ nghệ, nghề May công nghiệp cũng được các chủ xưởng nhận vào làm khi đang học.

Ông Trần Mạnh Hải - Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 (Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT) huyện Phúc Thọ thông tin: Trước khi mở lớp, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các tổ chức chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức những hội nghị tư vấn cho người lao động (NLĐ). Đặc biệt, các cấp, ngành thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế gắn với đào tạo và giải quyết việc làm. Do đó, một số nghề được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.

Nhân cấy thêm nghề mới

Không chỉ khuyến khích phát triển nghề truyền thống, nhờ thực hiện Quyết định 1956, huyện Phúc Thọ đã nhân cấy thêm được nghề mới. Đến nay, toàn huyện có 60 trên tổng số 80 làng có nghề. Trong đó, 5 làng nghề đã được công nhận, mỗi năm thu hút và tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Trần Mạnh Hải cho biết, trong năm 2018, Ban chỉ đạo 1956 huyện Phúc Thọ tổ chức đào tạo nghề cho 1.295 học viên. Trong đó, nghề nông nghiệp 20 lớp với 700 học viên; nghề phi nông nghiệp 17 lớp với 595 học viên. Tại thời điểm này, 30 lớp đào tạo nghề đã hoàn thành, chỉ còn 7 lớp đang triển khai và sắp kết thúc.

Để kiểm tra thực tế, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 TP Hà Nội đã đến lớp học nghề May công nghiệp đang được tổ chức thực hành tại xưởng may của Công ty TNHH Thời trang Kiwi Hương Giang đóng tại xã Văn Thuấn. Khu xưởng rộng chưa đến 300m2 có gần 40 lao động đang thực hành may áo sơ mi cổ Đức dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của giáo viên. Chị Trần Thị Phượng đến từ thôn Táo 3, xã Văn Thuấn vui vẻ cho biết: “Khi chưa có kiến thức về nghề may, ở nhà em thường nhận gia công sản phẩm đơn giản như áo gió, quần nỉ. Mới sinh con được 3 tháng nhưng em nhờ mẹ chồng trông giúp, để học nghề may. Em mong muốn sau khi thành nghề sẽ được nhận vào làm việc tại công ty may để có thu nhập ổn định hơn”. Theo ông Lê Ngọc Lĩnh - Quản đốc của Công ty Hương Giang: “Hiện 20 học viên đang học nghề may công nghiệp có nhu cầu làm việc tại công ty đã được chúng tôi tiếp nhận. Mức lương khởi điểm sẽ là 4,5 – 5 triệu đồng/tháng; khi làm việc được 1 - 2 tháng, tay nghề cứng tăng thành 7 triệu đồng, làm khoảng một năm lương tháng khoảng 8 – 10 triệu đồng”.

Ông Phùng Thanh Tùng – Trưởng phòng đào tạo trường Trung cấp giao thông vận tải Hà Nội – đơn vị tham gia đào tạo nghề may công nghiệp thông tin thêm, những học viên không có điều kiện làm việc tại DN, có thể nhận hàng về nhà may. Thay vì trước đây may sản phẩm hoàn chỉnh, bây giờ họ may theo dây chuyền, theo đó, người may cổ áo, người may tay, người khâu khuy… sẽ thúc đẩy nhau cùng làm việc, cho thu nhập cao hơn. Hiện nay, nhiều DN, xưởng sản xuất ở xã Liên Hiệp, Văn Thuấn vẫn có nhu cầu tiếp nhận lao động đào tạo nghề theo Quyết định 1956. Tuy nhiên, vì mặt bằng chật hẹp nên họ rất muốn huyện Phúc Thọ sớm quy hoạch khu sản xuất riêng để có cơ hội phát triển nghề cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ.