Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long

Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 538/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các địa phương trong việc quyết liệt triển khai và hỗ trợ các điều kiện về vật liệu xây dựng, hậu cần, giải phóng mặt bằng để việc triển khai các dự án cơ bản bảo đảm tiến độ; đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương có nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường như Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng… đã cơ bản bảo đảm cung ứng vật liệu theo tiến độ cho các dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là các Ban quản lý dự án, các nhà thầu và Bộ Giao thông vận tải cần phải rút kinh nghiệm và bám sát tình hình thực tế để kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc. Nguồn vật liệu san lấp theo trữ lượng về cơ bản bảo đảm, nhưng việc cung cấp vật liệu theo tiến độ thi công còn chậm; một số mỏ tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang tạm dừng khai thác; tỉnh Vĩnh Long chậm hoàn thành thủ tục tăng công suất các mỏ cát. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cần hoàn thành thủ tục cấp mỏ cát cho các dự án trong tháng 10 năm 2024; tuy nhiên, việc triển khai chưa đáp ứng được tiến độ thi công. Các mỏ cát sông thuộc tỉnh Sóc Trăng có đủ trữ lượng nhưng công suất khai thác rất hạn chế. Một số dự án vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng; chưa hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật điện, công trình ngầm (nhất là 17 vị trí đường điện cao thế chưa di dời)…

Tháo gỡ ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh

Phó Thủ tướng kết luận: Các dự án đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là những dự án hết sức quan trọng của đất nước, tạo động lực mới để phát triển vùng. Với khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án còn rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các dự án; lưu ý nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai tốt các giải pháp theo quy định của pháp luật để tháo gỡ ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh; khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 490/TB-VPCP ngày 26 tháng 10 năm 2024 về kết luận Phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu năm 2025 phải hoàn thành Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và năm 2026 cơ bản hoàn thành toàn tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu rà soát, tổng hợp công suất cần thiết phải cung ứng để bảo đảm trữ lượng, chất lượng, công suất thực tế có thể đáp ứng của các mỏ cát theo tiến độ của từng dự án; tính toán thêm phương án sử dụng cát biển để hỗ trợ phần thiếu nguồn cát sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án chi tiết đường găng, tiến độ cam kết cụ thể trước ngày 30 tháng 11 năm 2024;

Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát bám sát công việc, chủ động làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường, tuyệt đối không để các dự án bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu cát, sỏi, đá; chỉ đạo ban quản lý dự án, nhà thầu khẩn trương khắc phục các vi phạm và tổ chức khai thác mỏ cát theo đúng cam kết và đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá toàn bộ trữ lượng cát sông, cát biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ cấp bách nêu trên trong nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định của pháp luật;

Đồng thời, cử đoàn công tác hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang thực hiện thủ tục để tiếp tục khai thác mỏ đá Antraco trong tháng 11 năm 2024; hướng dẫn các quy định về môi trường khi sử dụng cát biển trong các môi trường khác nhau (nhiễm mặn, chưa nhiễm mặn, phèn chua…) trong tháng 12 năm 2024;

Khẩn trương rà soát, trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, trong đó cần lưu ý vấn đề về xác định đường triều kiệt tại các đảo nhỏ, vấn đề tăng cường phân cấp trong giao khu vực biển cho các địa phương trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Rà soát quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp, làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với các công trình, dự án trên địa bàn; hoàn thành trong Quý 1 năm 2025. Hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định và công bố giá vật liệu khai thác tại các mỏ để cung ứng cho các dự án (nếu cần), đặc biệt là đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tại cuộc họp.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống điện cao thế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án cao tốc trong tháng 11 năm 2024.

Phấn đấu trong Quý I/2025 hoàn thành việc xác định ranh giới khu vực biển của các địa phương

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xác định ranh giới khu vực biển của các địa phương (trong đó có tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng), phấn đấu hoàn thành trong Quý I năm 2025. Trong thời gian chưa xác định ranh giới khu vực biển giữa các tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ triển khai hoạt động khai thác cát biển tại mỏ B1.3 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác để cung cấp cát cho các dự án cao tốc trọng điểm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo cơ chế đặc thù được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Các địa phương có mỏ cát, hoàn thành thủ tục khai thác để cung ứng cho các dự án, bảo đảm khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ thi công...