Theo Sở Công Thương, 2 cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp và 15 cơ sở và điểm giết mổ tập trung quy mô vừa, hiện chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Còn lại hầu hết phụ thuộc vào các lò mổ thủ công hoặc thực phẩm từ nơi khác.
Việc giết mổ GSGC tại các lò mổ tập trung là cách tốt nhất để bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế lây lan mầm bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do đó, Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch cũng như thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở này như hỗ trợ về GPMB, nguồn vốn vay ưu đãi, khâu lưu thông vận chuyển... Tuy nhiên, đến nay, toàn thành phố mới có 6 dự án giết mổ công nghiệp tập trung được chấp thuận và 5 dự án giết mổ thủ công tập trung đang triển khai xây dựng. Nguyên nhân là do quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn nhiều vướng mắc; quan điểm của chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp chưa thống nhất. Những cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ cũng như của thành phố còn chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó là ý thức coi nhẹ, thái độ chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSTP của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giết mổ.
Tiêu thụ rau an toàn vẫn hạn chế
Tương tự, tình hình triển khai các dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn TP cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo Sở NN&PTNT, sản lượng rau xanh của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người dân Thủ đô, còn lại 40% từ các tỉnh lân cận. Được sự quan tâm đầu tư của thành phố, từ năm 2009 đến nay, diện tích RAT của Hà Nội đã tăng lên đáng kể (từ 2.105ha năm 2009 lên 3.255ha năm 2011). Nhiều xã ngoại thành đã xây dựng được vùng chuyên canh, có diện tích lớn, dần tạo được thương hiệu riêng. Thành phố cũng tập trung xây dựng các cơ sở sơ chế RAT với công suất lớn 3 - 5 tấn/ngày (như ở xã Văn Đức huyện Gia Lâm, Duyên Hà huyện Thanh Trì). Ngoài ra còn có 6 dự án nhà sơ chế đã được thành phố phê duyệt trong các vùng dự án.
Thành phố cũng đã xây dựng mạng lưới tiêu thụ rau với gần 100 điểm bán tại các siêu thị, điểm bán bình ổn giá, cửa hàng tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, sản xuất RAT của người nông dân còn nhiều hạn chế, vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, không tạo được sản lượng đủ lớn, ổn định, rất khó đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt khâu tiêu thụ RAT chưa hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và kinh doanh, nên chưa thúc đẩy được sản xuất.
Tập trung giải quyết
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý cơ sở giết mổ GSGC và sản xuất RAT trong thời gian qua. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý cũng cần lưu ý đây là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Vì thế, trước tiên phải đẩy mạnh việc đưa các điểm giết mổ GSGC khu vực nội thành ra khu vực ngoại thành, đảm bảo VSATTP, tránh nguy cơ dịch bệnh và không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Vẫn duy trì hình thức giết mổ GSGC riêng lẻ ở khu vực nông thôn, nhưng phải tiếp tục tăng cường quản lý vệ sinh thú y gắn với quản lý ATTP, lập các điểm bán tập trung để dễ dàng hơn trong công tác quản lý thị trường. Bên cạnh đó, cần có nhiều chính sách khuyến khích các huyện xây dựng điểm giết mổ tập trung (mỗi huyện 1 đến 2 cơ sở), tăng cường hiện đại hóa, áp dụng dây chuyền công nghệ cao, gắn giết mổ với chế biến thực phẩm. Đặc biệt quan tâm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo ra được những sản phẩm hàng hóa có thương hiệu.
Về lĩnh vực RAT, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, quận huyện, thị xã cần thống nhất có chính sách hỗ trợ hợp lý, tiếp tục xây dựng các cơ sở, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng điểm bán RAT khu vực nội đô, từ đó đẩy mạnh công tác quản lý giá cả thị trường một cách hợp lý, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân sản xuất RAT.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt vừa có ý kiến chỉ đạo đối với việc thực hiện Dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư của Dự án, huyện Phúc Thọ cần tính toán cụ thể, tiết kiệm tối đa về đầu tư hạ tầng, tăng cường đầu tư cho công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Đồng thời phải xây dựng cụ thể phương án tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo tính khả thi của Dự án. |