Hà Nội hoàn thành dự án
DA VLAP được thực hiện tại 9 tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long từ năm 2008 - 2013, sau đo, Ngân hàng Thế giới (WB) gia hạn đến hết tháng 6/2015. DA nhằm tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai thông qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện trên cơ sở xây dựng hệ thống công khai, chính xác, đầy đủ, kịp thời về đăng ký đất đai, thông tin đất đai, chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, đến nay, TP đã hoàn thành khối lượng đo đạc bản đồ địa chính tại 3 huyện: Quốc Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa của DA VLAP, với tổng diện tích 37.990ha. Sở đang tập trung đôn đốc các huyện đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định, đảm bảo hoàn thành và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trong quý II/2015.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Hà Nội lập, trình UBND TP phê duyệt DA tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn TP; DA đo đạc hiện trạng và cắm mốc ranh giới sử dụng đất các nông trường, trạm trại và đất rừng trên địa bàn TP và triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Năng lực nhà thầu yếu, 3 tỉnh chậm tiến độ
Theo Ban Quản lý (BQL) DA VLAP cấp T.Ư, hiện còn 3 tỉnh là Hưng Yên, Tiền Giang và Bình Định chưa đáp ứng được mục tiêu cam kết chủ yếu trong các hoạt động về kỹ thuật và công tác giải ngân. Mặc dù lãnh đạo Bộ TN&MT và BQL DA VLAP cấp T.Ư nhiều lần làm việc, đôn đốc thực hiện, nhưng công tác chỉ đạo điều hành của các địa phương này còn yếu, một số nhà thầu năng lực kém.
Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang, vướng mắc của địa phương là năng lực nhà thầu hạn chế, chưa nắm bắt được hết các quy định liên quan tới đo đạc, đăng ký, cấp sổ đỏ dẫn tới việc phải làm đi làm lại nhiều lần, ảnh hưởng tới tiến độ. Còn theo đại diện UBND tỉnh Bình Định, việc cấp sổ đỏ DA VLAP chậm do một số thửa đất có sai lệch giữa hiện trạng và hồ sơ quản lý, đang tranh chấp và điều kiện đo đạc của các nhà thầu còn hạn chế.
Tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ DA, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề xuất, nếu hiện trạng sử dụng đất khác với hồ sơ phải xem xét cho linh hoạt. Nếu đất lúa chuyển sang trồng hoa màu, cây ngắn ngày vẫn công nhận là đất lúa, còn nếu chuyển sang mục đích trồng cây lâu năm, làm nhà phải để lại xử lý. Đối với các nhà thầu năng lực kém, phải yêu cầu họ đưa ra giải pháp khắc phục. Nếu không thể khắc phục, phải chấm dứt hợp đồng và tìm nhà thầu đáp ứng đủ năng lực.
Theo ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai kiêm Trưởng BQL DA VALP cấp T.Ư, các địa phương phải tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp triển khai với BQL DA VALP cấp T.Ư. Hàng tháng phải giao ban, báo cáo tiến độ để phối hợp xử lý. Với các địa bàn chậm tiến độ, phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, phải tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cùng với đơn vị thi công để giải quyết các công việc tồn đọng.
Một góc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội - nơi thực hiện Dự án VLAP. Ảnh: Hồng Thái
|