Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dạy tiếng Anh trong trường tiểu học: Cưỡi ngựa xem hoa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đề án của Chính phủ quyết tâm cải thiện khả năng tiếng Anh của người dân trong vòng 10 năm tới, đã khiến phong trào học ngoại ngữ tăng cao ngay từ bậc tiểu học, nhất là thành phố.

Học ngoại ngữ quá rẻ
 

Bất kể có được chọn thí điểm triển khai việc giảng dạy bắt buộc môn tiếng Anh từ lớp 3 hay không, tất cả các trường đều liên kết với các trung tâm để đào tạo tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1.

Đối với 15 triệu học sinh phổ thông, việc học tiếng Anh ở trường cũng được đẩy mạnh theo chương trình đề án dạy và học ngoại ngữ của Chính phủ trong toàn hệ thống giáo dục đến năm 2020. Theo đề án này, tiếng Anh được tăng cường từ 1 đến 2 tiết/tuần lên 4 tiết/tuần ở các bậc phổ thông. Vì tiếng Anh trở thành môn bắt buộc thay vì học tự chọn ở bậc tiểu học như trước đây, nên học sinh không phải đóng tiền học. Mặc dù đem lại nhiều thay đổi về điều kiện, cách thức học, nhưng nếu tính trung bình mức chi mỗi học sinh được hưởng theo đề án này, thì khó có thể trông đợi một kết quả như mong muốn. Tổng số ngân sách Chính phủ chi cho đề án là 9.378 tỷ đồng trong 10 năm với khoảng 20 triệu người thụ hưởng. Tính ra bình quân một người là 47.000 đồng/năm. Chính lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng công nhận mức chi này không nhiều và cần phải tìm thêm những nguồn vốn khác để đầu tư cho công tác dạy và học ngoại ngữ trong trường học.

Không phải đóng học phí học tiếng Anh, đa số trường triển khai thí điểm chương trình dạy ngoại ngữ của Bộ đang kiến nghị về chế độ lương cho giáo viên dạy tiếng Anh không đủ khuyến khích người có trình độ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, hiện giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ,  trình độ năng lực ngoại ngữ đạt bậc 5 và có năng lực sư phạm giỏi muốn tham gia dạy tiểu học, nhưng quy định về trình độ và mức lương chưa được tháo gỡ nên không thu hút được, dẫn đến tình trạng thừa giáo viên giỏi nhưng thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học.

Ngoài ra, trước nhu cầu của phụ huynh muốn con được học tiếng Anh, đa số các trường từ tiểu học trở lên ở Hà Nội đều đã triển khai dạy tiếng Anh ngay từ lớp 1 và "tự chọn" trong giờ chính khóa. Với 100.000 đồng/tháng tiền học tiếng Anh tự chọn ở bậc tiểu học, tính ra mỗi học sinh chỉ phải đóng khoảng 15.000 đồng/buổi. Nếu so với số tiền phụ huynh phải trả cho con đi học tại các trung tâm ngoại ngữ, đặc biệt là trung tâm có yếu tố nước ngoài, số tiền này chỉ bằng 1/10. Nhưng đúng là đầu tư ít, học sinh chỉ mới "mon men" làm quen với khái niệm tiếng Anh là chính, vì thế chưa đạt được yêu cầu chất lượng.

Muốn giỏi, phải học thêm

Giải pháp được hầu hết phụ huynh chọn hiện nay là đi học thêm thay vì chỉ học ở trường nếu muốn con học ngoại ngữ đến đầu đến đũa. Tâm lý "tiền nào của nấy" vẫn hiện diện khá rõ trong môn học này. Một phụ huynh kể, tôi cho con theo học chương trình DyNet, dạy tiếng Anh của nhà trường cho học sinh lớp 1 đến giờ đã lên lớp 3 nhưng hỏi con từ này là gì hay nói câu này bằng tiếng Anh như thế nào thì chỉ thấy con lắc đầu. Trong khi đó, mới đi học ở trung tâm bên ngoài vài buổi, con đã hào hứng về khoe học được nhiều từ theo chủ điểm mỗi buổi học.

Một giáo viên dạy tiếng Anh cho biết, chương trình DyNet không dễ dạy và học như nhiều người vẫn nghĩ khi có sự phối hợp giữa tin học và ngoại ngữ. Chỉ những giáo viên cứng tay và yêu nghề mới sử dụng được chương trình này, còn không sẽ chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", học sinh vào tiết học chỉ như là chơi điện tử.

Một vấn đề nữa cũng đang đặt ra, do các trường tự liên kết với trung tâm, nên giáo trình tiếng Anh đang triển khai ở nhiều trường tiểu học hiện không trường nào giống trường nào, khiến phụ huynh hoang mang. Tuy theo lãnh đạo các trường, chủ trương chỉ là để học sinh làm quen, đến khi Bộ triển khai học ngoại ngữ từ lớp 3, các trường sẽ đi theo chương trình chuẩn của Bộ. Bản thân Sở GD & ĐT Hà Nội cũng cho rằng, Sở không khuyến khích việc liên kết với trung tâm đào tạo tiếng Anh trong nhà trường, nhưng cũng không cấm. Bởi thế, khi đưa vào mà không có người học thì không thành công nên từ môn học tự chọn đã biến tướng thành môn "không học không được" khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.