Không phải ngẫu nhiên mà "thủ trưởng" của trường THPT Đinh Tiên Hoàng - TS Nguyễn Tùng Lâm lại quý trọng tài năng sư phạm và tâm huyết của "nhân viên" của mình như vậy. "Trường Đinh Tiên Hoàng từ ngày thành lập đến nay vẫn nhất quán mục tiêu thu nhận các học sinh (HS) không được nhận vào các trường công lập. Nhiệm vụ "dạy chữ, dạy người" vì thế nặng nề, khó khăn hơn các trường khác rất nhiều. May mắn cho trường tôi là có được đội ngũ những thầy cô rất chuyên nghiệp, có tài năng sư phạm và rất tâm huyết. Cô Huyền là một cô giáo như vậy, đã vượt qua thật nhiều khó khăn trong suốt 20 năm qua cùng trường trong sự nghiệp "trồng người", được các thế hệ HS kính trọng, các bậc phụ huynh tin yêu. Đặc biệt là cô đã chú ý dạy cách sống cho HS từ các tác phẩm văn chương" - ông Lâm chia sẻ. Cô Huyền tâm sự, dạy một tác phẩm văn chương, cô hết sức chú ý đến việc dạy cốt cách làm người cho HS. Với học trò trường Đinh Tiên Hoàng, cô phải hướng dẫn tiếp cận văn bản bằng nhiều cách; mỗi thể loại, tình huống, đối tượng, giờ dạy là một cách làm khác. Cô rất chú trọng khâu đọc, ví dụ với bản "Tuyên ngôn độc lập", cô chọn một HS có giọng đọc thật tốt hoặc chính cô tự đọc trang nghiêm, truyền cảm. Trước khi đọc, cô kể cho HS những câu chuyện để làm sống lại không khí lịch sử của dân tộc được tự do sau gần một thế kỷ nô lệ, những giây phút cả nước xúc động, tự hào, thành kính hướng tới lời Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ. Với tác phẩm thơ, cô thường đánh thức trí tưởng tượng và cảm xúc của học trò bằng các câu hỏi. Cô cho biết, để giáo dục tình cảm, đạo đức, cách sống cho HS, cô khêu gợi từ vẻ đẹp phẩm cách nhân vật. Ví như một nỗi thẹn đáng trân trọng trong "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão, một khát khao cao đẹp của Nguyễn Trãi trong "Cảnh ngày hè", có lúc đưa ra câu hỏi để HS suy nghĩ về cách sống như trong "Đò lèn" của Nguyễn Duy... Trên cơ sở đó, cô lại cho HS liên hệ đến cách sống hiện tại của mình bằng câu hỏi: “Đã bao giờ em biết "thẹn" trước ai đó và trước một việc gì đó ? Đã bao giờ em day dứt bởi điều mình chưa làm được với những người mình yêu quý?”... Đặc biệt, trong phong trào đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khi giảng những bài thơ của Bác, cô hết sức chú trọng dạy cốt cách làm người cho HS. Cô tâm sự: "Việc dạy đạo đức và lối sống cho HS là cả quá trình lâu dài và bền bỉ, nhất là hướng HS từ nhận thức đến "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tôi cũng thấm thía một cách sâu sắc rằng để dạy được học trò, mình phải tự sửa mình, hoàn thiện chính mình trước". Thật là một cô giáo chân thành, tài năng, khiêm nhường, đậm chất nhân văn như mục tiêu đẹp của mô hình giáo dục của nhà trường.