ĐB Quốc hội: Cán bộ làm đúng, vì dân thì có gì phải ngại?

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 28/10, tại phiên thảo luận tình hình KT-XH, ngân sách, ĐB Quốc hội Tạ Thị Yên bày tỏ quan điểm: “Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ rằng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Nếu làm đúng quy định của pháp luật có gì phải ngại.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh: Quochoi.vn

Giải ngân chậm, yếu tố chủ quan vẫn là khâu quyết định

ĐB Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) đánh giá, tiến độ giải ngân chi đầu tư cho các công trình dự án trọng điểm tầm quốc gia, công trình dự án quan trọng ở địa phương, các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng...

Theo ĐB Tạ Thị Yên, việc giải ngân chậm do vướng mắc quy trình thủ tục khi triển khai các kế hoạch, dự án, có phần do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.

ĐB bày tỏ không đồng tình với suy nghĩ, quan niệm của cán bộ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Từ chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, Luật hóa; Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng các cơ sở vì tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Điều này sẽ không thúc đẩy xã hội phát triển.

Theo đại biểu, trong khi Quốc hội làm ngày làm đêm để các chủ trương, chính sách mới đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vậy mà kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công. Thủ tướng nhiều lần phê bình hiện tượng này và từng nói thẳng “Ai không làm thì đứng sang một bên”.

ĐB cho rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân, không phải ngại, vì đứng đằng sau vẫn còn tập thể lãnh đạo và có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

"Tôi mong Chính phủ cần siết chặt lỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực, sở trường"- ĐB nêu.

ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đặc biệt, ĐB nêu, vấn đề xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ lâu dài. Chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo đên 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã xảy ra hiện tượng hết xăng tại hàng loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân. Giá xăng dầu ổn định, các yếu tố vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, có tăng trưởng kinh tế, Nhà nước sẽ thu được thuế, phí từ nền kinh tế. "Tôi cho rằng, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khoá, thông qua thuế và phí; làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan"- ĐB đề xuất.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Cần tăng cường kỷ luật hành chính từ Bộ xuống xã

Trong phát biểu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc vượt qua “cơn bão kinh tế - xã hội cấp độ mạnh” trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ đã để lại bài học quý báu về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước và truyền thống đoàn kết, nhân văn của Nhân dân ta khi đất nước gặp hoạn nạn.

Đại biểu nhấn mạnh, cần tăng cường kỷ luật hành chính từ bộ xuống xã, các bộ ngành trung ương phải là cầu nối thông suốt giữa Thủ tướng Chính phủ với chính quyền các tỉnh, thành phố; là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp; tuyệt đối không thể là các trạm gác quan liêu, vô cảm, thậm chí nhũng nhiễu.

“Đẩy mạnh đầu tư công phải được coi là kỷ luật hành chính, tỷ lệ giải ngân là thước đo năng lực, bản lĩnh, đạo đức cán bộ lãnh đạo” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, đề xuất các giải pháp cho năm 2023, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, trước hết chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Định hướng và nội hàm thì đã có và ghi rất rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. Nổi bật lên là phát triển bền vững dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là nhân tố cạnh tranh mang tính quyết định.

Theo đại biểu, định hướng và nội hàm này cần chi phối và được thực hiện trong mọi mục tiêu trăng trưởng của mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong thiết kế chính sách, trong phân bổ nguồn lực và trong tiêu chí đánh giá, xếp loại công chức, viên chức. Bởi phân bổ nguồn lực dàn trải, kém hiệu quả là lãng phí tài nguyên, tài sản công và sai với mục tiêu phát triển.

Cùng với đó, giải quyết các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém và các khoản nnợ xấu đang để lại gánh nặng tài chính lớn cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước, đè nặng lên “đôi cánh tăng trưởng”. Bởi, càng kéo dài thì thiệt hại càng gia tăng. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện thể chế, vì “sự trễ hẹn” tạo lực cản và điểm nghẽn cho các mục tiêu phát triển

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần