ĐB Quốc hội: Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, chiều 20/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về "việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu’’.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo đại biểu, dự kiến việc ban hành Nghị quyết này sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay. Vì vậy, để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu cho rằng, cùng với việc ban hành Nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Quốc hội cần ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn. Qua đó, đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với cái chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 20/11
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 20/11

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, về quan điểm phải khẳng định, việc chúng ta ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.

Đại biểu cho rằng, các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên thu hút như: lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường; hoạt động nghiên cứu phát triển; lĩnh vực năng lượng tái tạo; các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và có quy mô lớn... Tất cả đều nhằm tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hội nhập và thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.

Trong khi chưa ban hành được nghị quyết này hoặc chưa điều chỉnh pháp luật theo hướng này, đại biểu đề nghị Quốc hội khẳng định trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, đó là Quốc hội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng như trên để có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời giao Chính phủ tích cực chuẩn bị để Quốc hội có thể ban hành nghị quyết về vấn đề này….

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

Đánh giá thận trọng thực tiễn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, song song với việc ban hành Nghị quyết này, cần nhìn trước các rủi ro, có thể thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư FDI. Vì thế, cần có chính sách hỗ trợ bổ sung.

Bên cạnh việc sớm đánh giá toàn diện tác động, Chính phủ cũng nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, trong đó nên nhấn mạnh chính sách phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ, bởi công nghiệp hỗ trợ chính là điều giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn thay vì các giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng, nếu nghị quyết được bàn hành và thực hiện sớm, ngân sách sẽ thu được tới 14.600 tỉ tiền thuế, bổ sung từ 122 tập đoàn; tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời việc ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh)
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là nghị quyết khá quan trọng để điều chỉnh chính sách thuế mới trong thời gian tới, tạo cơ sở thu hút đầu tư bình đẳng. Với quy định tối thiểu là 15%, chúng ta sẽ có cơ sở, căn cứ vào mức thuế này để thương lượng về ngưỡng miễn, giảm thuế.

Đồng tình với tầm quan trọng phải trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết, tuy nhiên đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, đây là nội dung có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, trong đó có môi trường đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) phát biểu
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) phát biểu

Theo đó, đại biểu đề nghị tiếp tục triển khai kịp thời trên các chính sách hỗ trợ đầu tư đồng bộ với hoàn thiện hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế; nghiên cứu giải pháp hỗ hỗ trợ về tài chính hoặc thực hiện phân bổ nguồn thu thuế bổ sung này để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu, thu hút các nhà đầu tư mới phù hợp với Chiến lược phát triển của quốc gia.

Để có cơ sở thuyết phục hơn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá thận trọng nghiên cứu thực tiễn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại các quốc quốc gia có sự tương đồng với quy mô, cơ cấu kinh tế - đặc biệt là tại 23 quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15% hiện tại không bắt buộc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Đánh giá đủ chi tiết các tác động các quy định hướng dẫn thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo quy định của OECD cần chi tiết cụ thể, đảm bảo chủ quyền lập pháp và xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết.