Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐB Quốc hội: Kiến trúc đô thị hỗn loạn, kiến trúc nông thôn biến dạng

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với thực tế kiến trúc tại các đô thị ở nước ta hiện nay, các nhà chuyên môn đã phải thốt lên một sự thật đáng buồn là hỗn loạn, kiến trúc nông thôn ngày càng biến dạng, xu hướng "văn minh nhà ống" ngày càng gia tăng.

Kiến trúc đô thị Việt Nam như bức tranh nham nhở, lộn xộn

ĐB Mai Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, vấn đề quản lý kiến trúc đô thị có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên Dự thảo luật quy định tại khoản 1 điều 11 về kiến trúc đô thị phải đảm bảo một số nội dung còn quá chung chung, mang tính khẩu hiệu và chưa có quy định những nguyên tắc, định hướng rõ nét như hài hòa không gian và cảnh quan chung.

 Đại biểu Mai Ánh Tuyết (đoàn An Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, hiện nay, phát triển đô thị diễn ra rất nhanh, phức tạp theo tiến trình hội nhập với diện mạo kiến trúc phong phú, đa dạng nhưng vô cùng hỗn loạn, thiếu bản sắc riêng. Loại hình nhà ống có tính đặc trưng chiếm 70-80% quỹ nhà đô thị, kết hợp xen lẫn nhà cao tầng, đã tạo nên một cục bộ các đô thị như bức tranh nham nhở, lộn xộn, phá vỡ kiến trúc đô thị đã được duyệt ban đầu. Ngoài ra, một số công trình hạ tầng đô thị phát triển chắp vá, tạo nên những tuyến đường có hệ thống đường dây, đường ống thông tin liên lạc treo chằng chịt, gây mất mỹ quan đô thị...

Do đó, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các nội dung theo hướng quy định cụ thể hơn về định hướng kiến trúc, về nguyên tắc, nội dung, phân cấp cụ thể, quản lý kiến trúc cảnh quan, công trình hạ tầng đô thị để làm cơ sở cụ thể hóa dưới luật, nhằm đưa Luật kiến trúc ra đời có khả năng điều chỉnh các tồn tại quản lý kiến trúc hiện nay. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với kiến trúc đô thị, mang tính hiệu quả trước mắt cũng như chiến lược lâu dài.

ĐB Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, kiến trúc là một trong những yếu tố góp phần thể hiện sắc thái riêng của mỗi quốc gia. Nhìn vào các công trình kiến trúc có thể biết được đó là kiến trúc đặc trưng của quốc gia, dân tộc nào.

Đối với thực tế kiến trúc tại các đô thị ở nước ta hiện nay, các nhà chuyên môn đã phải thốt lên một sự thật đáng buồn là hỗn loạn, kiến trúc nông thôn ngày càng biến dạng, xu hướng "văn minh nhà ống" ngày càng gia tăng.

Theo ĐB Nguyễn Trung Thành, đọc hết Dự thảo Luật, cũng không hình dung được định hướng kiến trúc Việt Nam là như thế nào, nội dung yêu cầu ra sao, do ai xây dựng, lập nên. Do đó, vị đại biểu này đề nghị cần bổ sung quy định để làm rõ nội dung định hướng kiến trúc Việt Nam để có thể khắc phục tình trạng hỗn loạn kiến trúc và nhà ống, nhà siêu mỏng, siêu méo đang phổ biến hiện nay.

Đề xuất quy định việc bảo tồn công trình kiến trúc chưa được xếp hạng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp trước đề nghị bổ sung quy định việc bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung một điều về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.
Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Phan Xuân Dũng, không ít công trình đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lập và xin ý kiến về danh mục công trình kiến trúc có giá trị; giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, phân cấp, phân loại công trình kiến trúc có giá trị.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, quy định bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa là cần thiết và cấp bách.
Tuy nhiên, theo bà, dự luật giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc là không khả thi, dẫn đến thiếu thống nhất toàn quốc. Bà Thuỷ đề nghị, Chính phủ quy định thống nhất sẽ đảm bảo chặt chẽ, không bị lạm dụng, sao chép kiến trúc ngoại...
Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, quy chế quản lý kiến trúc không thể giao Chính phủ quy định chung cho các địa phương vì tính đa dạng, phong phú và đặc thù mỗi địa bàn. "Nên để UBND cấp tỉnh đề xuất quy chế kiến trúc trong đó có bản sắc văn hoá, sau đó HĐND phê chuẩn", Bộ trưởng nói.
Dự án Luật có 41 Điều, trong đó có 9 Điều, Khoản còn giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết. Như vậy, vẫn còn nhiều Điều, Khoản chưa được Luật hóa. Các ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để cụ thể hóa những Điều, Khoản có thể Luật hóa được ngay trong Luật, bởi Luật này có liên quan đến nhiều Luật quan trọng khác như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…