Công tác an sinh xã hội sau khi áp dụng cơ chế đặc thù?
Góp ý vào Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ, với nội dung thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, đại biểu đề nghị cân nhắc điều chỉnh khái niệm, bởi đây là “định hướng phát triển thành phố” chứ không phải là “mô hình phát triển đô thị".
Đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa thể hiện rõ việc Thành phố Hồ Chí Minh sau khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù thì sẽ thực hiện công tác an sinh xã hội như thế nào đối với những người dễ bị tổn thương; xây dựng các cơ sở hỗ trợ người già neo đơn, không nơi nương tựa; trẻ em mồ côi...
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Đoàn tỉnh Yên Bái) cho biết, các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại Dự thảo Nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, giải pháp là “có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh” thì các nhóm chính sách đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện được nhiệm vụ này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã là Trung tâm Tài chính của Việt Nam dù vẫn chưa hoàn chỉnh. Để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế hoàn chỉnh thì vẫn có những thách thức và yêu cầu hoàn thiện ba trụ cột cốt lõi gồm: hị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư chuyên hoạt động trên thị trường vốn, thị trường tài chính trung và dài hạn; trụ cột thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó, chủ yếu là ngành bất động sản; trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh, trụ cột này hoàn toàn chưa có.
Để hoàn thiện các trụ cột nói trên, cần có thể chế đủ mạnh và phù hợp nhằm tạo thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính lớn, có đầy đủ năng lực để kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
"Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, cũng như có các cơ chế ưu đãi đủ mạnh và phù hợp cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Điều 7 Dự thảo Nghị quyết", đại biểu đề xuất.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 6 cơ chế, chính sách được quy định tại các Dự thảo Luật đang được trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến quy định của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp này và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần đưa tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức thành một điều riêng
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao dự thảo Nghị quyết cho thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn.
Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua, thành phố có chi thu nhập tăng thêm với cán bộ, công chức nhưng vẫn xảy ra tình trạng cán bộ nghỉ việc, vì khối lượng công việc quá lớn đi kèm trách nhiệm nặng nề. Đại biểu cũng đề nghị cần đưa tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức thành một điều riêng trong dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, hiện nay có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Hà Nội được quy định có Luật Thủ đô, tại sao thành phố Hồ Chí Minh không có Luật Đô thị đặc biệt? Đại biểu cho rằng, nếu so sánh yêu cầu của trung ương với thành phố Hồ Chí Minh qua Nghị quyết số 31-NQ/TƯ thì những cơ chế đặc thù này chưa ăn thua. Do đó, cần luật hóa đô thị đặc biệt để trên cơ sở đó có hành lang pháp lý trung hạn và dài hạn.