Vừa qua, Bộ GTVT lại tiếp tục trình Chính phủ Dự thảo đề án này. Nhưng nếu không có những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ một cách thiết thực, rất có thể Đề án sẽ lại một lần nữa “bất khả thi”. 95% lượng khí thải do xe máy Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, 70 - 90% ô nhiễm không khí đô thị từ các hoạt động GTVT. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xe máy vẫn chiếm đến 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Còn theo thống kê của Cục CSGT, hết năm 2015 cả nước có khoảng 46,5 triệu xe máy hai bánh đăng ký mới; trong đó, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có tới 12 triệu chiếc. Những con số đó cho thấy xe máy vẫn là phương tiện được ưu tiên sử dụng của đại bộ phận dân cư. Mặt khác, hàng chục triệu chiếc xe đó đang là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí nặng nề, đặc biệt tại các TP lớn.
Năm 2010, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP. Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT, việc kiểm tra khí thải xe máy là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều thành phần xã hội; chưa có căn cứ pháp lý đủ mạnh và chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền..., vậy nên Đề án buộc phải gác lại. Từ góc độ một người dân đang sử dụng xe máy, Anh Lê Hữu Dũng (Hà Đông) nêu một loạt câu hỏi: “Thực ra việc kiểm định khí thải là cần thiết. Tuy nhiên chúng tôi phải đến đâu kiểm định? Quy trình ra sao, có rườm rà, khó khăn hay không? Phí kiểm định chúng tôi có phải trả hay không?”. Những thắc mắc đó cho thấy, nguyên nhân thực sự khiến Đề án không thực hiện được là sự nghi ngại của người dân, đặc biệt việc trả thêm phí kiểm định khí thải bên cạnh hàng loạt loại phí họ phải gánh cho chiếc xe máy lâu nay như: tiền thuế, lệ phí đăng ký, tiền xăng, gửi xe, sửa chữa… Phí chồng phí sẽ gây trở ngại Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Việc kiểm soát khí thải xe máy là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh loại phương tiện này còn tiếp tục phổ biến như hiện nay. Tuy nhiên, Nhà nước nên có biện pháp khuyến khích người dân để họ tự nguyện phối hợp thực hiện. Thu phí kiểm định khí thải có thể sẽ khiến họ hiểu lầm rằng Nhà nước đặt ra các dịch vụ để thu tiền của dân”. Giới chuyên gia còn lý giải, khi người dân mua xăng họ đã phải chịu mức phí bảo vệ môi trường khoảng 3.000 đồng/lít. Tiếp tục trả khoản phí kiểm định khí thải sẽ là bất hợp lý, phí chồng phí, khiến người sở hữu xe máy bức xúc. Ngoài ra, khi kiểm định mà khí thải không đạt tiêu chuẩn, người dân còn phải thay thế thiết bị, sửa chữa để chiếc xe máy của mình được tiếp tục lưu thông, tốn kém thêm một khoản tiền không nhỏ nữa. Việc đó sẽ góp phần tạo tâm lý lo ngại, thậm chí là né tránh trong Nhân dân. Anh Lê Hữu Dũng đặt câu hỏi: “Xăng đối với người dân là nhiên liệu không thể thiếu, còn đối với DN là món hàng sinh lợi, thậm chí là lợi nhuận khổng lồ. Vậy tại sao chỉ có người dân phải chịu phí bảo vệ môi trường trên mặt hàng này còn DN thì không?”. Thực vậy, DN được Nhà nước hỗ trợ: lập quỹ bình ổn, cho phép tính phí bảo vệ môi trường lên người tiêu dùng… còn người dân cứ phải chịu phí tiếp phí, chồng chất gánh nặng lên phương tiện phục vụ sinh nhai của mình. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nói: “Nếu không có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp, chắc chắn Đề án kiểm định khí thải đối với xe máy sẽ vấp phải phản ứng trái chiều trong xã hội và khó lòng mà thực hiện được”. Theo Đề án mới được Bộ GTVT trình lại, mức phí kiểm định khí thải thu trên mỗi đầu xe máy sẽ vào khoảng từ 100.000 - 150.000 đồng/2 năm. Số tiền đó thoạt nghe có vẻ nhỏ, nhưng đặt nó bên cạnh những chi phí phát sinh khi sửa chữa, thay thế phụ tùng xe có thể lên đến vài trăm ngàn hoặc cả triệu đồng sẽ thấy, nó chính là điểm vướng mắc đầu tiên, khó khăn nhất cần vượt qua để đưa Đề án kiểm soát khí thải xe máy vào hiện thực. Cần cơ chế hợp lòng dân Tại Dự thảo đề án kiểm định khí thải xe máy, Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng luôn các đại lý được ủy quyền chính thức của các hãng sản xuất, lắp ráp xe máy tham gia kiểm định khí thải. Hiện, chỉ tính riêng 5 nhà sản xuất xe môtô, xe gắn máy lớn là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đã có tới 529 đại lý tại 5 TP lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu kiểm định khí thải cho 8,7 triệu xe máy đến năm 2022. Việc kiểm định cũng được thực hiện theo lộ trình đối với từng nhóm xe tính theo niên hạn. Đây là cách làm hay sẽ giúp người dân tối giảm thời gian và thủ tục khi đưa xe máy đi kiểm định. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, trong đó có cả Cục Đăng kiểm, cũng đưa ra phương án hỗ trợ kiểm tra khí thải từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu. Theo đó, người dân đưa xe đi kiểm định không phải trả tiền, cơ sở kiểm định được bồi hoàn tiền phí từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng hay nguồn kính phí được cấp theo quy định của Nhà nước. Nếu được thực hiện, đề xuất này sẽ là giải pháp hữu hiệu để khai thông nút thắt trong ý thức của người sử dụng xe máy. Với 3.000 đồng/lít xăng tiền phí bảo vệ môi trường, mỗi năm Nhà nước có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng. Trích từ khoản tiền khổng lồ đó để chi cho các đơn vị kiểm định khí thải xe máy một phần nhỏ chắc chắn không phải là vấn đề khó khăn. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng: “Trích tiền từ phí bảo vệ môi trường đối với xăng để bù đắp phí kiểm định khí thải xe máy cho người dân là hợp lý nhất. Nếu không cũng có thể thu xếp các nguồn tiền khác hoặc phối hợp với nhà sản xuất, kinh doanh xe máy để hỗ trợ người dân. Không nên đặt ra thêm một loại phí gây “tranh cãi” nữa khiến người dân hoang mang”. Chủ trương kiểm định khí thải đối với xe máy là đúng và cần thiết. Nhưng chỉ khi được hỗ trợ, khuyến khích bằng nhiều cách người dân mới sẵn sàng đồng thuận, tự nguyện chấp hành. Không có sự đồng thuận đó, rất có thể Đề án sẽ lại một lần nữa nằm im… trên giấy.
Khí thải từ xe máy là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Ảnh: Thanh Hải |
Dự kiến Đề án kiểm định khí thải xe máy sẽ bắt đầu được thực hiện vào 1/7/2018. Bắt đầu với các xe có dung tích xy lanh lớn từ 175cm3 trở lên. Đồng thời không áp dụng với các xe máy từ 5 tuổi trở xuống bởi xe còn tương đối mới, đã qua kiểm tra khi xuất xưởng và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất. |