Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao quyền chọn sách cho các nhà trường

Đề cao trách nhiệm của nhà giáo

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dự thảo thông tư mới về lựa chọn sách giáo khoa (SGK) phổ thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi quy định giao quyền chọn sách cho các nhà trường.

Một tiết học bằng công nghệ số tại trường THCS Ngô Quyền, huyện Đông Anh. Ảnh Thanh Hải.
Một tiết học bằng công nghệ số tại trường THCS Ngô Quyền, huyện Đông Anh. Ảnh Thanh Hải.

Để việc chọn sách khách quan, thực chất và phù hợp với đối tượng học sinh đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và sự minh bạch của các nhà trường.

Mỗi nhà trường là một hội đồng chọn sách

Theo Thông tư hiện hành (Thông tư 25/2020/TT - BGDĐT), quy trình lựa chọn SGK thực hiện như sau: cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) đề xuất lựa chọn SGK (theo danh mục Bộ GD&ĐT đã phê duyệt), sau đó báo cáo về đơn vị trực tiếp quản lý (Phòng GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT). Phòng GD&ĐT tổng hợp gửi lên Sở GD&ĐT danh mục SGK được lựa chọn. Lúc này, Sở GD&ĐT tiếp tục tổng hợp và chuyển giao cho Hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh, TP. Hội đồng tổ chức lựa chọn danh mục SGK. Từ kết quả của các hội đồng, Sở GD&ĐT tổng hợp trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định và phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT.

Thay vì quy định trên, dự thảo Thông tư mới nêu rõ: Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở GDPT do hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK.

Mỗi cơ sở GDPT thành lập một hội đồng. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK của cơ sở GDPT. Đầu tiên, cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK. Phòng GD&ĐT thẩm định, báo cáo Sở GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT thuộc phạm vi quản lý. Sở GD&ĐT tổ chức thẩm định, tổng hợp kết quả, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK ở các cơ sở.

Chia sẻ về dự thảo Thông tư mới, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở GDPT bày tỏ niềm phấn khởi và cho biết, việc cơ sở GDPT được tham gia lựa chọn SGK không mới mẻ và đã được thực hiện vài năm nay. Tuy nhiên, chỉ tại Thông tư mới, các nhà trường mới được tạo điều kiện, được giao quyền thực sự trong lựa chọn SGK.

“Nếu trước đây, cuốn SGK có thể do nhà trường chọn nhưng trường hợp số phiếu thấp không được Sở GD&ĐT thông qua, không duyệt thì sách đó không được chọn. Giờ thì nếu giáo viên, tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục thống nhất chọn và trình lên thì khả năng cao sách sẽ được chọn" - hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc huyện Đông Anh chia sẻ.

Nêu ý kiến về nội dung mới trong dự thảo Thông tư lựa chọn SGK, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho rằng, việc giao các nhà trường chọn sách là chủ trương khoa học, phù hợp với thực tiễn cũng như trình độ học sinh. Học sinh được học sách do chính cô giáo mình chọn và trường mình chọn, chắc chắn hiệu quả dạy và học sẽ cao hơn.

Không chỉ vậy, theo một số chuyên gia thì việc giao quyền cho nhà trường sẽ hạn chế tình trạng tiêu cực (nếu có) trong chọn SGK vì trước đây cả nước có 63 tỉnh, TP thì số hội đồng chọn sách ít; còn tại dự thảo Thông tư mới, cả nước có hơn 26.000 trường phổ thông, tương đương với trên 26.000 hội đồng. Khi chi phí phát hành sách giảm thì giá thành SGK cũng sẽ giảm theo. Như vậy, việc giao nhà trường chọn sách cũng góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh.

Giáo viên cần mạnh mẽ thể hiện tiếng nói

Ngoài quy trình ngắn gọn và đơn giản hơn, dự thảo Thông tư mới cho thấy vai trò quan trọng nhất trong lựa chọn sách không phải là UBND tỉnh/TP, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT hay các hiệu trưởng mà chính là giáo viên - những người trực tiếp làm công tác giảng dạy.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết: không ai hiểu học sinh bằng giáo viên đứng lớp. Do đó, việc mỗi trường là một hội đồng, giáo viên được trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn SGK tạo điều kiện cho giáo viên được góp tiếng nói của mình.
“Giáo viên sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, chọn lựa sách theo đúng chương trình mình đã và đang giảng dạy. Điều này giúp phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của giáo viên và phù hợp với tinh thần của Chương trình GDPT 2018” - nhà giáo Nguyễn Cao Cường bày tỏ.

Đồng ý với quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà cho rằng: giáo viên và các nhà trường tham gia vào quá trình lựa chọn SGK là câu chuyện không mới mẻ nhưng tại dự thảo lần này mới giao rõ, giao chính thống cho mỗi cơ sở giáo dục là một hội đồng lựa chọn SGK.

Giáo viên sẽ chọn cuốn sách phù hợp với học sinh của lớp mình, trường mình để đề xuất lên tổ nhóm chuyên môn. Thấy quyển nào hay, phù hợp thì giáo viên chọn; hội đồng không có quyền điều chỉnh, định hướng mà lập biên bản trung thực theo đúng lựa chọn của tổ chuyên môn. Giáo viên có tiếng nói cao nhất trong chọn sách còn quyền lợi cao nhất thuộc về học sinh.

Từng nhiều năm tham gia đóng góp ý kiến, bỏ phiếu cho việc chọn SGK môn Toán cấp THPT, cô giáo Vũ Thị Ngọc Linh (Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình) chia sẻ: giáo viên dạy môn nào sẽ có trách nhiệm đọc, nghiên cứu kỹ 3 bộ SGK của môn đó, nêu ý kiến về ưu nhược điểm của từng bộ sách bằng văn bản, tại đó thể hiện rõ mình bỏ phiếu chọn sách của bộ nào, lý do vì sao chọn.

“Việc lấy ý kiến ở tổ chuyên môn rất quan trọng, luôn diễn ra nghiêm túc. Tại đó, lần lượt từng người phải bày tỏ quan điểm của mình nên tất cả giáo viên đều đọc và tìm hiểu sách chứ không thể nói lung tung được. Nhà giáo nào cũng giảng dạy, cũng có lòng tự trọng nên chúng tôi hiểu, nêu ý kiến chọn sách là quyền lợi của mình. Qua theo dõi thì nhiều năm nay, bộ sách trường chọn đều trùng với ý kiến đóng góp của tổ chuyên môn”, cô Ngọc Linh cho biết.
Tại nghị trường Quốc hội tháng 6/2023, có đại biểu từng hoài nghi và cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn SGK.

Ngay cả trong đội ngũ nhà giáo, không ít người ban đầu nghĩ việc bỏ phiếu chọn sách chỉ là hình thức hoặc có thể gặp tình huống “chỉ đạo miệng” hay “định hướng” từ cấp trên nhưng khi đã có trải nghiệm, hầu hết giáo viên đều xác nhận, việc chọn sách diễn ra nghiêm túc, công khai trên cơ sở tôn trọng ý kiến giáo viên.

"Lúc đầu, tôi cứ nghĩ việc giáo viên nghiên cứu SGK rồi tiến hành bỏ phiếu, thống nhất chọn một bộ sách chỉ là thủ tục để có văn bản gửi cấp trên nhưng khi có kết quả thì tôi thấy bộ sách giáo viên chọn đều được cấp trên thông qua. Điều này làm tôi và đồng nghiệp đặt niềm tin vào sự khách quan, công tâm trong việc chọn lựa SGK. Trước đây cũng vậy và tới đây, nếu được giao quyền rõ ràng thì nhà trường có tiếng nói quyết định trong việc chọn sách”, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên tiểu học huyện Thanh Trì, Hà Nội, bày tỏ.

Đánh giá vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên khi Bộ GD&ĐT giao quyền lựa chọn SGK cho các nhà trường, ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh: "Việc giao quyền tự chủ trong chọn sách đòi hỏi mỗi giáo viên phải hiểu rõ về quyền lợi, vai trò, trách nhiệm của mình; phải nghiên cứu SGK thực chất, khách quan; đồng thời có bản lĩnh, mạnh mẽ thể hiện tiếng nói của mình trong bỏ phiếu chọn sách. Chỉ khi người giáo viên ý thức được vai trò cá nhân thì việc chọn sách mới trung thực, khách quan, phù hợp. Và một điều cần thực hiện đó là sớm thúc đẩy việc biên soạn 1 bộ SGK của Nhà nước để phong phú hơn nguồn sách lựa chọn cho giáo viên. Khi SGK được giao cho các trường lựa chọn thì có thể tính phương án nối bản để in ấn tại từng địa phương/từng khu vực. Điều này giúp giảm chi phí in ấn, vận chuyển, phân phối, tiến tới hạ giá thành sách".

 

Dự thảo Thông tư mới quy định ba nguyên tắc và hai tiêu chí trong lựa chọn SGK. Cụ thể ba nguyên tắc: Thứ nhất, lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT. Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở GDPT ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK. Thứ ba, việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Hai tiêu chí lựa chọn SGK: phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT.
Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đến ngày 20/12/2023.