Nhà trường, giáo viên phấn khởi nếu được giao quyền tự chủ chọn sách giáo khoa

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Thông tư mới quy định mỗi cơ sở giáo dục là một hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (SGK). Thông tin trên làm nhiều cán bộ quản lý và giáo viên phấn khởi bởi điều này vừa phù hợp với thực tiễn, vừa mang đến quyền lợi học tập tốt nhất cho học sinh.

Gọn nhẹ hơn trong quy trình chọn sách

Theo Thông tư hiện hành, quy trình lựa chọn SGK thực hiện như sau: Cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) đề xuất lựa chọn SGK (theo danh mục của Bộ); Phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo Sở GD&ĐT danh mục SGK được lựa chọn; Sở GD&ĐT tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng; Hội đồng tổ chức lựa chọn SGK; Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Căn cứ vào kết quả lựa chọn này, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT. Từ đó, các nhà trường lựa chọn SGK trường mình sử dụng (thuộc danh mục công bố).

hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ thành lập, giúp UBND cấp tỉnh lựa chọn SGK, dự thảo mới quy định
Trước đây Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ thành lập, giúp UBND cấp tỉnh lựa chọn SGK, thì dự thảo mới quy định mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK.

Thay vì quy định trên, dự thảo Thông tư mới nêu rõ: Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở GDPT do hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc giám đốc trung tâm GDNN - GDTX thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK.

Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 hội đồng. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK của cơ sở GDPT. Đầu tiên, cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK. Phòng GD&ĐT thẩm định, báo cáo Sở GD&ĐT về kết quả thẩm định và danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT thuộc phạm vi quản lý.

Sở GD&ĐT tổ chức thẩm định, tổng hợp kết quả, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt; sau đó UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK ở các cơ sở.

Chia sẻ về dự thảo Thông tư mới, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở GDPT bày tỏ niềm phấn khởi và cho biết, việc cơ sở GDPT được tham gia lựa chọn SGK không mới mẻ và đã được thực hiện vài năm nay. Tuy nhiên, chỉ tại Thông tư mới, các nhà trường mới được tạo điều kiện, được giao quyền thực sự trong lựa chọn SGK.

“Nếu trước đây, cuốn SGK có thể do nhà trường chọn nhưng trường hợp số phiếu thấp không được Sở GD&ĐT thông qua, không duyệt thì sách đó không được chọn. Giờ thì nếu giáo viên, tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục thống nhất chọn và trình lên thì khả năng cao sách sẽ được chọn – Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc huyện Đông Anh chia sẻ.

Vai trò quan trọng nhất là giáo viên

Ngoài quy trình ngắn gọn và đơn giản hơn, dự thảo Thông tư mới cho thấy vai trò quan trọng nhất trong lựa chọn sách không phải là UBND tỉnh/TP hay Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT hay các hiệu trưởng mà chính là giáo viên- những người trực tiếp làm công tác giảng dạy.

Theo dự thảo Thông tư mới, giáo viên góp tiếng nói quan trọng nhất trong chọn lựa SGK (Ảnh: Thầy trò Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa)
Theo dự thảo Thông tư mới, giáo viên góp tiếng nói quan trọng nhất trong chọn lựa SGK. Ảnh: Cô trò trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa.

Một trong hai tiêu chí lựa chọn SGK là cuốn sách đó phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết: Không ai hiểu học sinh bằng giáo viên đứng lớp. Do đó, việc mỗi trường là một hội đồng, giáo viên được trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn SGK tạo điều kiện cho giáo viên được góp tiếng nói của mình.

“Giáo viên sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, chọn lựa sách theo đúng chương trình mình đã và đang giảng dạy. Điều này giúp phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của giáo viên và phù hợp với tinh thần của Chương trình GDPT 2018” - nhà giáo Nguyễn Cao Cường bày tỏ.

Đồng ý với quan điểm trên, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà cho rằng: “Giáo viên và các nhà trường tham gia vào quá trình lựa chọn SGK là câu chuyện không mới mẻ nhưng tại dự thảo lần này mới giao rõ, giao chính thống cho cơ sở giáo dục là 1 hội đồng lựa chọn SGK.

Giáo viên sẽ chọn cuốn sách phù hợp với học sinh của lớp mình, trường mình để đề xuất lên tổ nhóm chuyên môn. Thấy quyển nào hay, phù hợp thì giáo viên chọn; hội đồng không có quyền điều chỉnh mà sẽ lập biên bản trung thực theo đúng lựa chọn của tổ chuyên môn. Giáo viên có tiếng nói cao nhất trong chọn sách còn quyền lợi cao nhất thuộc về học sinh.

Nêu ý kiến về nội dung mới trong dự thảo Thông tư lựa chọn SGK, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho rằng, việc giao các nhà trường chọn sách là chủ trương khoa học, phù hợp thực tiễn cũng như trình độ học sinh. Ngoài ra, việc giao quyền cho nhà trường chọn sách còn tác động đến việc giảm chi phí phát hành sách.

"Việc giao quyền trong tự chủ chọn sách đòi hỏi mỗi giáo viên phải ý thức sâu sắc hơn về quyền lợi, vai trò, trách nhiệm của mình; phải nghiên cứu SGK thực chất, khách quan để phục vụ quá trình chọn sách; đồng thời cần sớm thúc đẩy việc biên soạn 1 bộ SGK của nhà nước để phong phú hơn lựa chọn của giáo viên" - ông Đặng Tự Ân nêu ý kiến.