Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Hà Nội sạch, đẹp

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng gần đây, nếu ai có dịp bước chân vào khuôn viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ có một cảm nhận rất khác về cảnh quan môi trường. Bởi những thùng rác nơi đây đã được các bạn sinh viên trang trí đầy màu sắc, hình vẽ bắt mắt. Tình trạng vứt rác bừa bãi trong khuôn viên của trường cũng đã giảm hẳn so với trước.

 Thùng rác trong khuôn viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Chia sẻ về việc này, nhiều sinh viên cho biết, các bạn đã và đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến thông điệp phân loại rác đúng nơi quy định, với mong muốn nâng cao ý thức của sinh viên đối với vấn đề xả rác và phân loại rác đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo từ nhiều cơ quan, ước tính, đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh khoảng 20 triệu tấn/ngày. Phần lớn lượng rác phát sinh tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Tại Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15%/năm, tổng lượng rác thải lên tới 5.000 tấn/ngày. Vậy nên, cùng với việc gấp rút triển khai đầu tư công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị, thì việc nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định cần được tuyên truyền sâu rộng để toàn dân thực hiện.
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chỉ là một trong số hàng nghìn cơ quan, đơn vị đang tích cực triển khai hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường sống xanh. Đáng chú ý, tại vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, từ tháng 4, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức treo, đặt các loại biển báo, đặt camera ghi hình, chụp ảnh hành vi đổ rác thải bừa bãi để có chứng cứ "phạt nguội". Đại diện công ty thông tin, trong 3 tháng đầu triển khai (tháng 5, 6, 7) đã phạt hơn 200 triệu đồng các trường hợp xả rác bừa bãi, trong khi trước đó, mỗi năm chỉ phạt được hơn 10 triệu đồng. Hiện nay, tình trạng xác rác bừa bãi tại khu vực này đã giảm rất rõ rệt.
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND, triển khai phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019...
Rác thải đã và đang được coi là thảm họa của môi trường sống. Cả thế giới đang chung tay xây dựng một môi trường sống xanh. Thực tế, rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã triển khai các chương trình như không sử dụng nilon, ngày không chai nhựa... Qua đó, từng bước giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa trong đời sống. Những hành động này được nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa lâu bền trong xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp.