Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, trong tình hình hiện nay, chúng ta phải chấp nhận điều đó, bởi các trường sư phạm chủ yếu là đơn vị công lập. Các ngành khác, thị trường quyết định nhân lực, nên bộ chủ quản không thể nắm thông tin cụ thể nhu cầu lao động trong từng giai đoạn. Chính quyền các tỉnh ra chỉ tiêu sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng dư thừa giáo viên, giống như ngành công an, quân đội.
Hiện nay, nhiều học sinh không mặn mà với ngành sư phạm, vì vậy, điểm đầu vào ngành này quá thấp. Để đưa các trường sư phạm lên top đầu như ĐH Bách khoa, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương là một bài toán khó, TS Khuyến cho rằng, muốn điểm tuyển sinh sư phạm cao nhất, thì giáo sinh tốt nghiệp phải có việc làm và thu nhập tương đối tốt. "Lúc đó, không cần “hò hét” học sinh vẫn vào sư phạm. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích giáo viên, cụ thể, xếp lương giáo viên ở nhóm ngạch cao nhất. Đối với những người dạy ở vùng sâu, vùng xa nên được hưởng chính sách ưu tiên đặc thù" - ông Khuyến bày tỏ.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc tái cấu trúc các trường sư phạm. Theo ông Khuyến, đây là hướng đi đúng, nhưng phải làm sao cho hệ thống hoạt động chất lượng và hiệu quả. Vì số cơ sở đào tạo giáo viên được mở quá nhiều, nếu làm không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ giảng viên. Riêng đề nghị 8 trường sư phạm trọng điểm trong cả nước tập trung đào tạo giáo viên, những trường còn lại, chủ yếu là cao đẳng sư phạm chuyển sang bồi dưỡng giáo viên và đào tạo các ngành bên ngoài, quan điểm của ông Khuyến là các trường sư phạm trọng điểm chỉ có kinh nghiệm đào tạo giáo viên THPT, còn mảng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS mới được mở ngành khoảng 10 năm nay. Trong khi đó, các trường cao đẳng, ĐH địa phương lâu nay có nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, mẫu giáo tiểu học, THCS nếu cho họ đào tạo lại tất cả giáo viên các bậc là không hợp lý.
Vì vậy, ông Khuyến đề xuất, nhiệm vụ đào tạo giáo viên THCS, đặc biệt là tiểu học nên để cho các trường sư phạm địa phương thực hiện. Các trường sư phạm ở tỉnh cũng phải nâng tầm đào tạo được ở trình độ ĐH, điều này phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Các trường sư phạm trọng điểm, ngoài đào tạo giáo viên THPT nên bồi dưỡng cho đội ngũ đang giảng dạy ở phổ thông để tận dụng cơ sở vật chất tốt, đội ngũ trình độ cao. Còn việc đào tạo giáo viên trình độ sau ĐH nên dành cho những cơ sở có năng lực.