Đê hữu Đáy tại huyện Quốc Oai sạt lở nghiêm trọng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đê hữu Đáy đoạn từ K15+750 đến K15+890 chạy qua thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai hiện đang bị sụt lún nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông, đặc biệt đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đê điều trong mùa mưa bão, cần sớm được xử lý.

 Điểm sụt lún sâu nhất so với mặt đường là 40cm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, trong các ngày từ 9-11/10, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa đo được xấp xỉ 120mm, khiến tuyến đê hữu Đáy đoạn từ K15+750 đến K15+890 chạy qua thôn Yên Nội, xã Đồng Quang bị sụt lún nghiêm trọng.
Cụ thể, điểm sụt lún sâu nhất của cung sạt so với mặt đường là 40cm; khe nứt mở rộng ngày càng nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và ảnh hưởng an toàn của tuyến đê.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, sự cố này được phát hiện vào cuối tháng 8/2020, có chiều dài vết nứt 140m; rộng 0,2 mét. Cung sạt trượt đã làm mặt đường tại vị trí này bị sụt lún nghiêm trọng, ngay sau khi phát hiện sự cố, UBND huyện đã chủ động khắc phục xử lý sự cố 2 lần bằng biện pháp đổ thêm bây, lu lèn và thảm nhựa mặt đường. Đồng thời gửi văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội và các Sở ngành liên quan, đề xuất phương án xử lý cấp bách vị trí sụt lún tuyến đê từ K15+750-K15+800 thuộc địa bàn xã Đồng Quang.
Ngày 29/9/2021, đoàn công tác của TP Hà Nội đã về kiểm tra trực tiếp và đề xuất phương án xử lý sự cố trên. UBND huyện đã phối hợp với Chi cục phòng chống thiên tai thực hiện cắm biển cảnh báo hạn chế các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường.
Trước tình trạng khẩn cấp này, huyện Quốc Oai kiến nghị TP và các Sở ngành liên quan chỉ đạo xử lý tạm thời sự cố để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, đồng thời sớm đẩy nhanh thủ tục thực hiện dự án khắc phục sự cố sạt lở tuyến đê trên đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão năm 2021.
Huyện Quốc Oai kiến nghị TP và các sở ngành liên quan sớm chỉ đạo khắc phục sự cố.
Cũng do ảnh hưởng của mưa bão, vào hồi 18 giờ 35 phút ngày 11/10, tại địa phận các xã ven sông Tích, mực nước sông Tích đang ở mức +6,4m (mức báo động I). Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các xã, trưởng các đoạn đê, các ngành và cán bộ được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm những quy định khi có lệnh báo động cấp I trên sông Tích.
Đồng thời, các xã ven sông Tích tổ chức huy động lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo cấp báo động để chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Cùng  với đó, các xã thông báo lệnh báo động cấp I trên đài truyền thanh của xã, hệ thống loa phát thanh ở thôn, xóm để Nhân dân biết.
Trên địa bàn huyện Quốc Oai có 2 con sông lớn chảy qua là sông Tích và sông Đáy, giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết ngập úng, phục vụ tưới tiêu.
Toàn huyện có tổng 31,7 km đê chính là đê Hữu Đáy dài 12,5km, đê Tả Tích có chiều dài 10,6km, đê Hữu Tích dài 8,6km. Ngoài ra, còn có 9,6km đê bao nội đồng thuộc hệ thống đê quai. Trong đó, Toàn tuyến có 18 cống dưới đê, trong đó có 2 cống tiêu Ngọc Phúc, cống xả trạm bơm Cấn Hạ được xây mới năm 2012. Cống tiêu, cống xả mới trạm bơm Vĩnh Phúc được xây mới năm 2018. Cống tưới Khúc Vạy được đầu tư xây dựng năm 2019.
Các cống Thông Đạt, Hàm Rồng, Trại Ro, Đĩnh Tú, đã được xây từ những năm 1990 - 2000 về cơ bản còn tốt. Còn đa số được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, các cống ngắn nối dài nhiều lần khi cải tạo, mở rộng đê, nhìn chung qua nhiều năm hoạt động các cống đã xuống cấp. Hệ thống trạm bơm tiêu toàn huyện có 15 trạm bơm với 70 máy bơm từ 1.000 - 4.000m3/h.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm huyện đã chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Trong đó tập trung chỉ đạo, xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai nhằm giúp cho các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần