Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn cơ hội cho những “thói hư, tật xấu” phát tác

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, TP Hà Nội chọn là "Năm kỷ cương hành chính" nhằm nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của TP tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng.

Sự lựa chọn ấy được nhiều ý kiến đồng tình. Bởi điều cốt lõi trong thực hiện cải cách hành chính là nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp Nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.
 Ảnh minh họa
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, cụm từ ấy được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây. Bởi thực tế, sự "méo mó" của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ thực thi công vụ đang làm suy yếu hệ thống quản lý nhà nước, làm mất sức cạnh tranh trong thời buổi khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Việc công chức bỏ nhiệm sở đi làm việc riêng, vắng mặt trong các cuộc họp được triệu tập, hay đi muộn về sớm, thờ ơ, vô cảm… không còn là chuyện lạ, đặc biệt là tại các cơ quan hành chính. Rồi không ít câu chuyện, không ít hành vi xấu đã được nêu tên, đã bị khiển trách, nhắc nhở, khiến kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ dường như vẫn là một vấn đề “nóng”. Như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: "Việc một công chức ứng xử kém làm ảnh hưởng tới tất cả đội ngũ cán bộ, 400.000 đảng viên chúng ta bị mang tiếng, cả Nhân dân TP Hà Nội bị mang tiếng".
Bởi thế, "phải coi kỷ cương, kỷ luật là động lực thành công; tránh bệnh thành tích, đầu voi đuôi chuột...". Trong hầu hết các cuộc làm việc với các đơn vị, quận, huyện, người đứng đầu TP cũng đặc biệt nhấn mạnh đến kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Khẳng định việc xử lý kỷ luật rất nghiêm và sẽ tiếp tục kỷ luật, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ. Để tránh con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến cả bộ máy.
Có thể nói rằng, trong thời gian qua, những chỉ đạo rõ việc, rõ người của TP đã cho thấy sự quyết liệt trong việc siết mạnh kỷ cương hành chính công vụ tại cơ quan nhà nước. Như trước sự việc vắng mặt không lý do của một số lãnh đạo đơn vị tại các cuộc họp, hay những hành vi ứng xử không đúng của cán bộ, TP đều kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc. Bởi thực tế cho thấy, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ là yếu tố cần thiết và quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Là thước đo để người dân thực hiện chức năng giám sát đối với thái độ, nền nếp làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Và chỉ có tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc mới là hành động cụ thể, thiết thực nhất góp phần hình thành tác phong chuyên nghiệp, giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng… Tinh thần đó đã được TP chỉ rõ tại hội nghị phát động thi đua năm 2017 và sẽ thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Cũng với những quy định đã có, TP sẽ ban hành quy chế ứng xử của các cán bộ công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan hành chính và quy chế ứng xử của người dân TP ở nơi công cộng. Người dân kỳ vọng rằng, với những chỉ đạo rất quyết liệt ấy, việc nêu gương trong trách nhiệm của người đứng đầu, việc siết chặt kỷ cương trên mọi lĩnh vực không chỉ dừng ở những lời kêu gọi, những văn bản, giấy tờ. Tinh thần đó sẽ phát huy tác dụng trong thực tế khi có sự kiểm điểm nghiêm túc, sự rốt ráo của người trong cuộc. Nhưng nỗ lực làm lành mạnh bộ máy công quyền không phải chỉ từ phía chính quyền, mà còn cần sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, DN, với sự giám sát nghiêm minh, hiệu quả, để không còn cơ hội cho những “thói hư, tật xấu” phát tác. Để kỷ luật, kỷ cương hành chính không còn là câu chuyện đương nhiên, nhưng cứ phải… nói mãi.