Đây là vấn đề không có gì để bàn cãi, bởi trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, sẽ không dễ để các quy định này đi vào thực tiễn.
Còn nhớ, trước đây, để ngăn chặn tình trạng này, một số địa phương đã ra quy định nghiêm cấm CSGT mang theo điện thoại di động khi làm nhiệm vụ. Thậm chí, tại một số địa phương, để ngăn chặn tình trạng gọi điện xin xỏ, một số tổ công tác đã bí mật lắp đặt máy phá sóng điện thoại tại khu vực làm nhiệm vụ. Thế nhưng, tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến. Tại Hà Nội, đầu tháng 12/2016, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã từng tuyên bố sẽ lập danh sách người gọi điện xin cho người vi phạm luật. Tuy đến nay, danh sách những người gọi điện dường như vẫn là con số không. Nói như vậy không có nghĩa là Hà Nội không còn tình trạng gọi điện can thiệp, xin xỏ cho người vi phạm giao thông. Phải khẳng định, tình trạng trên vẫn còn, thậm chí là còn nhiều nhưng chẳng ai dại mà điền tên người gọi điện can thiệp và bản danh sách đó. Bởi hầu hết những người đứng ra xin cho người vi phạm không phải người quen, là người trong ngành, thì cũng là sếp, là nhà báo.
Từ những thực tế trên có thể thấy, để ngăn chặn tình trạng gọi điện can thiệp vào quy trình xử phạt vi phạm luật giao thông nếu chỉ trông chờ vào các quy định mệnh lệnh hành chính là chưa đủ. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc cần đơn giản hóa thủ tục nộp, xử phạt vi phạm hành chính thì chính các lực lượng chức năng cũng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bất kể đó là ai. Và như lời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm các vi phạm, không thể để tình trạng cứ bị dừng xe là rút điện thoại ra gọi, sau đó có tiếng nói người quen là cho đi. Thế nhưng để làm được điều này, những người lãnh đạo, những người có “tiếng nói” cần phải đi đầu, làm gương ngăn chặn tình trạng gọi điện can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông đối với chính với những người thân trong gia đình.