Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để kinh tế chia sẻ thực sự "cất cánh"

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế này thực sự “cất cánh”, các cơ quan quản lý Nhà nước cần linh hoạt về chính sách, dỡ bỏ những rào cản pháp lý không còn phù hợp.

Xu thế tất yếu của thời đại công nghệ

Trong những năm gần đây, KTCS đang nổi lên và từng bước phát triển với tốc độ nhanh trên thế giới. Phát triển KTCS đúng hướng có thể tạo ra nhiều cơ hội, lợi ích cho các chủ thể kinh tế, DN và toàn bộ nền kinh tế. Ở Việt Nam, mô hình này đã có bước phát triển nhanh chóng tại những thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Có thể nhận thấy một số mô hình KTCS điển hình trên địa bàn Hà Nội hiện nay như: Mô hình vận tải trực tuyến, dịch vụ chia sẻ lưu trú, hoạt động thương mại điện tử… Ngoài ra, mô hình KTCS trên địa bàn Hà Nội còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau như, chia sẻ không gian làm việc, logistics, du lịch, y tế, giáo dục…

Ứng dụng gọi xe Be
Ứng dụng gọi xe Be

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, mặc dù mô hình KTCS mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây nhưng chúng ta đang có cơ hội để thu lợi nhuận, hưởng lợi từ xu hướng phát triển của mô hình kinh tế này. Cũng nhờ có KTCS làm cho thị trường cạnh tranh hơn, các loại hình dịch vụ đa dạng hơn. Trước hết mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư cho người lao động. Mặt khác, KTCS còn làm tăng doanh thu, tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất những tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường, giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chung quan điểm này, TS Trịnh Kim Liên (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho biết, trong thời đại 4.0 hiện nay, mô hình KTCS chính là xu thế tất yếu. KTCS đã tận dụng lợi thế của công nghệ để tiếp cận với số lượng lớn khách hàng và kéo chi phí xuống thấp. KTCS không chỉ là sử dụng công nghệ 4.0 để tận dụng những tiềm năng nhàn rỗi một cách hiệu quả để tăng thêm doanh thu, lợi nhuận cho các cá nhân, tổ chức và cho ngân sách Nhà nước, mà còn nhằm thúc đẩy sản xuất và kích thích tiêu dùng một cách tiết kiệm, hiệu quả.

“Ví dụ trong lĩnh vực vận tải, các cá nhân có phương tiện nhàn rỗi tham gia vận chuyển kết nối với hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng tìm xe Uber, Grap… để tăng thu nhập. Lái xe không phải nghề chính, họ chỉ hợp tác, chia sẻ để phát huy các nguồn lực dư thừa nhằm tăng thu nhập” - TS Trịnh Kim Liên nêu ví dụ.

Tuy nhiên, TS Trịnh Kim Liên cũng chỉ ra, việc phát triển mô hình KTCS ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng, thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, sự phát triển còn mang tính tự phát. Trong khi các cơ quan quản lý chưa có hạ tầng pháp lý đầy đủ, nên còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Mặt khác, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như có những điều khoản điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp, thậm chí bỏ ngỏ hoàn toàn đối với mô hình kinh tế này.

Bên cạnh những lợi ích vượt trội như tận dụng được hạ tầng, phương tiện, tạo thêm nhiều việc làm và mang lại các dịch vụ tiện ích, thì mô hình KTCS cũng gây ra mối lo ngại về tính pháp lý. Việc thiếu chế tài cho các loại hình mới khiến cơ quan quản lý không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia bối rối, vô hình trung tạo sự cạnh tranh không công bằng giữa phương thức kinh doanh truyền thống và phương thức KTCS. Mô hình KTCS còn tồn tại một số hạn chế khác, như nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh với các DN truyền thống, do DN tham gia không đảm bảo dịch vụ của họ đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Linh hoạt chính sách

Sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi và hình thành những phương thức sản xuất, kinh doanh mới. Đi đôi với nó cũng đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán. Cùng với đó cũng phát sinh các vấn đề giữa DN kinh doanh theo mô hình KTCS và DN kinh doanh truyền thống.

Với mục tiêu phát triển mô hình KTCS trong thời gian tới nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và các bên tham gia, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét và sớm xây dựng một văn bản pháp quy riêng điều chỉnh toàn bộ hoạt động của phương thức kinh doanh này.

Cùng với đó, chú trọng công tác đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng về công nghệ thông tin cùng với việc tăng cường nâng cao an ninh mạng để đảm bảo lợi ích cho người tham gia. Tăng cường hoạt động kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm đối với các hoạt động trong lĩnh vực KTCS có liên quan.

Đưa ra những giải pháp để mô hình KTCS “cất cánh”, TS Trịnh Kim Liên cho rằng, trước tiên cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong, đưa ra những quy định mới phù hợp, đề xuất dỡ bỏ rào cản pháp lý không còn phù hợp. Song song, cần xây dựng và hoàn thiện những chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển của các yếu tố cấu thành thị trường KTCS ở Việt Nam thời gian tới như: Chính sách tín dụng, chính sách đầu tư…

Riêng với Hà Nội, để phát triển lợi thế của Thủ đô, trong thời gian tới cần tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số của TP. Cam kết ủng hộ xu thế phát triển mới, trong đó có mô hình KTCS, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư kinh doanh vào khai thác lợi thế của mô hình KTCS. Cùng với đó, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền tảng số, hạ tầng số và các hạ tầng kinh tế khác cho KTCS phát triển, không chỉ trong những lĩnh vực hiện có mà các lĩnh vực, ngành nghề khác.

Ngoài ra, cần rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với với lĩnh vực kinh doanh truyền thống, hoàn thiện quy định đối với kinh doanh theo mô hình KTCS để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát hoạt động của DN kinh doanh theo mô hình KTCS trên địa bàn, phát hiện các vướng mắc để giải quyết kịp thời.

Đối với các sở, ngành cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với quận, huyện, thị xã để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và giám sát hoạt động của những đơn vị kinh doanh theo mô hình KTCS để có biện pháp tạo thuận lợi hoặc điều phối khi cần thiết. TP cũng cần nghiên cứu và ban hành chính sách riêng đối với một số loại hình kinh doanh theo mô hình KTCS trên địa bàn.