Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dễ “lách” luật vì chưa có trong danh mục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thuốc điều hòa sinh trưởng (ĐHST) được người nông dân sử dụng khá rộng rãi để kích thích tăng trưởng cây trồng, hoặc làm trái cây chín nhanh.

Mặc dù loại thuốc này đã được phép sử dụng ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam lại chưa nghiên cứu, xây dựng được danh mục, dẫn đến tình trạng nhập lậu tràn lan thời gian qua.

Khoảng trống từ danh mục

Nhiều năm nay, các nhà khoa học, người tiêu dùng đã lên tiếng lo ngại về tình trạng sử dụng tràn lan các loại thuốc kích thích sinh trưởng trên rau hay thuốc giấm chín hoa quả. Thế nhưng, liên tiếp các vụ phát hiện, bắt giữ thuốc ĐHST mới đây trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước càng khiến cho vấn đề này "nóng" hơn. Cụ thể, vụ phát hiện 1.500 ống thuốc thúc chín hoa quả tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì hồi đầu tháng 10 gây hoang mang dư luận với công dụng của thuốc là làm chín hoa quả đều, đẹp chỉ sau vài giờ và đặc biệt là dòng lưu ý "ăn mòn kim loại". Rồi giữa tháng 11 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trưởng (PC49) Công an TP đã bắt giữ 80.000 túyp thuốc kích thích giá đỗ tại ga Yên Viên được vận chuyển từ Lạng Sơn về tiêu thụ. Loại thuốc này có tác dụng kích thích giá đỗ nảy mầm nhanh, mỡ màng.
Phun thuốc BTVT cho rau tại xã Vân Nội, Đông Anh. Ảnh: Quang Thiện
Phun thuốc BTVT cho rau tại xã Vân Nội, Đông Anh. Ảnh: Quang Thiện
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NN&PTNT, hầu hết các thuốc dùng để thúc chín hoa quả trên thị trường chủ yếu là Ethrel. Đây là hoạt chất Ethaphon, một loại hóa chất dùng để giấm hoa quả được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Còn đối với thuốc kích thích giá đỗ, qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, ghi nhận có hàm lượng cao hoạt chất Cytokinin, một hoocmon thực vật có tác dụng kìm hãm sự ra rễ và kích thích phát triển thân, mầm. Đây cũng không phải là nhóm thuốc BVTV có tính độc.

Thế nhưng, cả hai loại thuốc bắt giữ được tại Hà Nội mới đây đều không có trong danh mục cho phép sử dụng tại Việt Nam. Theo thông tin từ Cục BVTV, hiện nay, nước ta chưa xây dựng được danh mục thuốc ĐHST trong lĩnh vực bảo quản, giấm chín hoa quả. Do đó, các thuốc ĐHST mà người dân sử dụng đều nhập lậu. Ông Đỗ Văn Vinh - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Ba Vì cũng lo ngại, có thể do chưa có trong danh mục cho phép nên một số doanh nghiệp sẽ đăng ký thuốc ĐHST vào danh mục phân bón để "lách luật". Điều này càng khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn hơn.
Một loại thuốc BVTV được bán công khai trên địa bàn huyện Ba Vì.
Một loại thuốc BVTV được bán công khai trên địa bàn huyện Ba Vì.
Chỉ đường cho nông dân

Việc sử dụng thuốc ĐHST đang diễn ra khá phổ biến ở các nước trên thế giới nhằm nâng cao giá trị và kéo dài thời gian bảo quản nông sản, nhất là hoa quả. Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, nhiều nước cũng cho phép sử dụng Chlorine, một chất chống ôxy hóa với nồng độ thấp để đóng gói, bảo quản sản phẩm rau quả xuất khẩu. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc sử dụng các loại thuốc này chưa được quy định rõ ràng. "Đây là một thiệt thòi lớn cho người sản xuất rau quả của Việt Nam" - ông Hồng chia sẻ.

Không chỉ thế, tình trạng "trống" về danh mục thuốc ĐHST càng khiến cho việc sử dụng trên hoa quả, cây trồng của nước ta như kiểu "đi đêm". Người dân không có nhiều thông tin về nồng độ, liều lượng như thế nào cho an toàn nên sử dụng một cách bừa bãi. Trước thực trạng này, lãnh đạo Cục BVTV cho biết, trước mắt, Cục sẽ làm việc với một số viện nghiên cứu, đơn vị liên quan để sớm công bố một số thuốc ĐHST an toàn và đưa vào danh mục, trong đó ưu tiên thuốc giấm chín trái cây.

Tại cuộc họp về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm đưa ra danh mục các thuốc ĐHST trên cây trồng. Thứ trưởng đề nghị Cục BVTV căn cứ, tham khảo các tiêu chuẩn, quy định quốc tế mà các nước đang áp dụng để ban hành danh mục thuốc ĐHST trong bảo quản rau quả và làm chín hoa quả. Trong đó, có hướng dẫn liều lượng, cách thức sử dụng để người dân yên tâm sử dụng, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.