Trường công thì quá tải, hệ thống mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập tư thục còn quá nhiều bất cập, các vụ bạo hành trẻ vẫn còn gây xôn xao dư luận, thì tìm nơi gửi trẻ tin tưởng thật khó đối với phụ huynh. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Nam Định cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc bạo hành trẻ xảy ra, đó chính là đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn.
“Những sinh viên với năng lực xã hội còn yếu, thiếu hiểu biết về kỹ năng, không có tính kiên trì, nhẫn nại với nghề và thiếu tình thương đối với trẻ, thì không thể theo nghề chăm dạy trẻ được. Các vụ bạo hành trẻ hầu hết đều xảy ra đối với các cô giáo còn quá trẻ, kém hiểu biết và không kiên trì, nhẫn nại trong nghề nghiệp”, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
Không phủ nhận những bất cập còn tồn tại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý mầm non tư thục hiện nay, nhất là thiếu kiểm tra, giám sát của các địa phương.
|
Cô và cháu cùng chăm vườn |
Là người có hơn 20 năm làm quản lý giáo dục mầm non và hiện đang điều hành hệ thống 5 trường mầm non tư thục Bee Garden, với gần 1.000 cháu, Thạc sĩ Đoàn Thị Thuần cho rằng “ Giáo dục mầm non tư thục không phải là điều gì xa lạ với Việt Nam cũng như thế giới, song thế nào gọi là mầm non tư thục, hay nhóm trẻ độc lập tư thục đạt chuẩn thì nhiều người còn chưa biết hết. Có người cho rằng cứ có tiền là mở trường mầm non tư thục. Chính quan điểm đó khiến cho rất nhiều quy định khắt khe bị bỏ qua và xảy ra các vụ việc đáng tiếc là khó tránh khỏi. Mầm non tư thục không chỉ là trường rộng, lớp thoáng, không phải là giáo cụ ngoại nhập, mà chính là phải có những con người có Tâm với nghề”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, hầu hết các vụ bạo hành trẻ thời gian qua đều xảy ra ở các mầm non, nhóm trẻ độc lập tư thục, nơi mà đội ngũ quản lý, giáo viên thiếu trình độ, thiếu chuyên nghiệp, chưa nói tới cơ sở vật chất không đảm bảo chất lượng đúng quy định. Việc bỏ qua những vi phạm của cơ sở giáo dục mầm non tư thục, đã vô hình trung, tạo điều kiện cho những cơ sở này chạy theo lợi nhuận, hơn là thực hiện cái Tâm của nghề giáo. Qua điều tra của các địa phương, không ít cơ sở mầm non tư thục tự phát mọc lên, đội ngũ quản lý, giáo viên yếu kém cả trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng dạy trẻ.
|
Tiết học song ngữ của mầm non Bee Garden Văn Khê, Hà Đông |
“Con người là yếu tố rất quan trọng. Khi mà đội ngũ giáo viên mầm non vừa thiếu và vừa yếu kinh nghiệm, thì việc đào tạo và tái đào tạo là điều không thể bỏ qua. Ngay tại hệ thống mầm non tư thục Bee Garden, không chỉ có đội ngũ quản lý trình độ Thạc sĩ với nhiều năm kinh nghiệm, mà hàng chục giáo viên mầm non tại các cơ sở đều được đào tạo thêm những kỹ năng mềm trong việc làm bạn với trẻ, để hiểu thêm về tích cách của trẻ nhỏ, từ đó có biện pháp chăm sóc và giáo dục các con tốt nhất. Không chỉ có vậy, việc tái đào tạo sẽ giúp giáo viên say mê với nghề chăm dạy trẻ và thêm tình thương yêu trẻ”, Cô Đặng Thị Thu Thủy, Quản lí cơ sở Vườn Ong HH2 Dương Nội, Hà Đông chia sẻ.
|
Bồi dưỡng kỹ năng mềm tại hệ thống mầm non tư thục Bee Garden |
Nhiều trường tư thục quảng bá rầm rộ các loại chương trình giáo dục cho trẻ, song thực tế, trẻ có tiếp thu được các chương trình đó hay không, thì lại không được quan tâm.
“Cho dù là chương trình hay phương pháp nào thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, và người nắm giữ vai trò quan trọng trực tiếp đối với sự phát triển của trẻ đó chính là giáo viên. Mỗi giáo viên đều phải hiểu rõ nguyên tắc chung của các Phương pháp đó là: Tôn trọng trẻ, dạy học lấy trẻ làm trung tâm, và luôn tạo điều kiện tối đa cho trẻ được tham gia các hoạt động”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Quản lí mầm non tư thục Vườn Ong Văn Khê cho biết
Khi “Con sâu làm dầu nồi canh”, thì niềm tin của phụ huynh vào hệ thống mầm non tư thục thực sự hiếm hoi. Không ít bậc phụ huynh đặt ra những điều kiện khắt khe đối với nơi gửi con, hay có những suy nghĩ tiêu cực khi con em mình có vấn đề nào đó
“Khi cháu 24 tháng tuổi, tôi có gửi cháu tại một sơ sở tư thục, nhưng chỉ 1 tháng sau tôi đã phải chuyển chỗ khác vì thấy các cô giáo thực sự không chuyên nghiệp. Có những vấn đề nhỏ xảy ra mà các cô không thể giải thích nổi”, Chị Nguyễn Vân Anh, khu đô thị HH2 Dương Nội , Hà Đông chia sẻ.
Còn đối với anh Trần Kim, một ông bố trẻ lại có sự tìm hiểu về nơi gửi con mình khá khắt khe. “Tôi không chỉ gặp Ban giám hiệu, gặp cô giáo mà còn phải xem tận mắt từng bữa ăn của các cháu. Chất lượng thực phẩm cũng như chương trình giáo dục trẻ. Đảm bảo chất lượng, tôi mới gửi con, chứ không chỉ là vấn đề học phí hay địa lý”.
Mỗi năm số trẻ mầm non lại tăng thêm 250 ngàn trẻ, riêng Hà Nội có thêm 25 đến 30 nghìn trẻ mầm non đến trường. Nếu những tồn tại này không nhanh chóng được giải quyết, thì chắc chắn, các vụ bạo hành trẻ sẽ còn tiếp tục diễn ra, niềm tin vào hệ thống giáo dục mầm non tư thục sẽ ngày càng giảm, không thể phát huy vai trò bên cạnh hệ thống trường công lập, dẫn tới những hệ lụy khôn lường.
Để chủ trương đúng của ngành giáo dục phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì việc làm sạch hệ thống giáo dục mầm non tư thục là điều cần làm ngay với những biện pháp cứng rắn. Bên cạnh việc tăng cường quán lý, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, thậm chí đóng cửa, thu hồi giấy phép hoạt động của những cơ sở vi phạm, thì mỗi bậc phụ huynh chính là những người giám sát tốt nhất và hiệu quả nhất, góp phần loại bỏ dần những trường tư thục kém chất lượng, nhưng con người không yên nghề, mến trẻ, và cũng để phụ huynh tin tưởng khi mỗi ngày gửi con em mình tới lớp.