Vấn đề lạm thu đã được các cơ quan truyền thông rung chuông báo động, lãnh đạo ngành giáo dục cũng nhiều lần chỉ đạo nhưng các khoản thu vô lý vẫn không ngừng diễn ra ở các trường học.
Cụ thể các khoản thu và chi ở trường Tiểu học Võ Thị Sáu là: Phần chi chăm cô được liệt kê 27 triệu đồng/năm đối với giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu bằng hình thức chuyển khoản hàng tháng, mỗi tháng một người 3 triệu đồng.
Tiền chi kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tiền Tết Nguyên đán cho hiệu trưởng, hiệu phó 1, hiệu phó 2, giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, giáo viên bộ môn, bảo vệ…; tiền chi cho Ngày Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế Phụ nữ cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu… Tổng cộng những khoản này đã “ngốn” hơn 102 triệu đồng trên tổng số hơn 130 triệu đồng dự trù kinh phí thu được.
Khi sự việc xảy ra, phụ huynh bức xúc phản ánh lên dư luận thì nhà trường và cô giáo chủ nhiệm lại đẩy lỗi cho Ban đại diện cho mẹ phụ huynh, sự việc lấy ý kiến ở group chỉ có phụ huynh với nhau, giáo viên chủ nhiệm không nắm việc này. Và để chữa cháy cho những đề xuất thu vô lý, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3 đã không triển khai theo dự trù kinh phí này mà chỉ thu mỗi phụ huynh 1 triệu đồng để chăm lo các hoạt động cho học sinh.
Cần làm gì để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần của Bộ GD&ĐT và không bị nghĩ là “ban thu tiền” là nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh cũng như của ngành giáo dục. Vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh là nhịp cầu nối giữa nhà trường với học sinh để có những giải pháp giáo dục học sinh tốt nhất chứ không phải là nơi huy động tiền, chi tiêu, tổ chức hội hè. Nhưng để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo đúng chức năng thì cần phải có quy định, chế tài cụ thể, tránh tình trạng trở thành công cụ, là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu.
Trên thực tế, điệp khúc lạm thu được thông qua từ Ban đại diện cha mẹ học sinh cứ diễn ra hàng năm cũng bởi vì khi xảy ra sự việc chế tài xử phạt còn chưa đủ sức răn đe. Luật sư Nguyễn Trung Trực (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) cho rằng: “Trên thực tế, pháp luật không có quy định riêng lẻ cho hành vi lạm thu trong các cơ sở giáo dục, mà đưa ra các chế tài riêng biệt cho từng hành vi riêng lẻ về học phí, lệ phí và các khoản thu khác trong lĩnh vực giáo dục”. Hầu hết các cơ sở lạm thu được báo chí hay phụ huynh phản ánh mới dừng lại ở việc dừng thu, nhắc nhở, khiển trách…
Ngoài ra, do tâm lý cả nể của phụ huynh nên tình trạng nhà trường lạm dụng “xã hội hóa” để thu những khoản ngoài quy định thông qua hội phụ huynh vẫn chưa được khắc phục. Cũng chính vì thế mà các cuộc họp phụ huynh đầu năm ở nhiều trường lớp chủ yếu bàn về chuyện đóng góp, còn việc chia sẻ, thảo luận về việc học tập, phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình lại mờ nhạt.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp để tránh lạm thu, cô giáo không phải trông chờ vào các khoản đóng của phụ huynh là việc tăng lương, chi trả cho thầy cô thật tương xứng với năng lực, sự cống hiến của các nhà giáo. Bởi nhiều giáo viên hiện vẫn phải sống chật vật bằng đồng lương ít ỏi, thậm chí phải nghỉ việc cũng là nguyên nhân để các mặt trái trong thu – chi của ngành giáo dục vẫn nảy nở.