Đề nghị 10 địa phương kiểm soát tình trạng nhập lậu giống vật nuôi

Duy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn đề nghị 10 địa phương liên quan chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Giống vật nuôi được nhập lậu có chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi. (Ảnh minh hoạ)
Giống vật nuôi được nhập lậu có chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi. (Ảnh minh hoạ)

Các địa phương được gửi văn bản này bao gồm: tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh, Long An, Hưng Yên, Hải Dương, Cao Bằng, Bình Phước, Bắc Giang.

Nội dung văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

Điều này đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi.

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng nêu trên, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 29 ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và Công điện số 12 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ một số các biện pháp:

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn các trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi qua biên giới vào Việt Nam, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi trên địa bàn.

Lập kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức kiểm tra, thanh tra về sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm yêu cầu đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật về chăn nuôi và pháp luật khác có liên quan.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất, mua bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng; quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị lãnh đạo các tỉnh quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung nêu trên.