Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thịt nhập lậu và những nỗi lo

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tình trạng thịt ngoại tràn lan thị trường nội địa làm dấy lên nỗi lo ảnh hưởng tiêu cực ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu không siết kiểm soát hoạt động nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (chính ngạch, nhập lậu) thì người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước cầm chắc thua trên chính sân nhà.

Thịt nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam

Thời gian gần đây, trên các các website, nền tảng mạng xã hội tràn nhập thông tin, hình ảnh rao bán thịt lợn, trâu, bò, gà được quảng cáo là hàng nhập từ Autralia, Mỹ, Canada, Nhật... với mức giá rẻ bất ngờ. Đơn cử như, bắp bò được rao bán với giá 120.000 đồng/kg, mức giá này chỉ bằng khoảng 40% mức giá thông thường ở chợ.

Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại một siêu thị. Ảnh minh họa
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại một siêu thị. Ảnh minh họa

Số liệu thống kê của thanh tra ngành nông nghiệp cho thấy, trong năm 2023, lực lượng chức năng đã bắt 131 vụ, thu giữ khoảng 160.000 con gia súc, gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, số lượng thịt nhập lậu trong thực tế có thể lên tới hàng triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, lợn sống nhập lậu về Việt Nam.

Còn theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2023, Việt Nam đã chi khoảng 1,4 tỉ USD để nhập khẩu hơn 600.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn 133.000 tấn, gà 170.000 tấn, trâu 140.000 tấn, bò 31.000 tấn; còn lại là phụ phẩm chân gà, móng heo, tai, phủ tạng...

“Cơn lốc” thịt ngoại đã đang khiến không ít doanh nghiệp chăn nuôi trong nước “đứng ngồi không yên”. Đại diện Tập đoàn Dabaco chia sẻ: “Chăn nuôi trong nước không những gặp khó do giá bán thấp mà còn phải xoay xở để cạnh tranh với thịt ngoại. Để chống chọi với dịch bệnh, doanh nghiệp này đã tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có giá thành sản xuất thấp nhất. Tuy nhiên, giá bán vẫn dưới giá thành sản xuất, một phần do thịt nhập khẩu chính ngạch và vấn đề lớn hơn là tình trạng thịt nhập lậu quá nhiều.”

Chăn nuôi trong nước đang bị lấn át bởi thịt nhập khẩu, nhập lậu. Ảnh minh họa
Chăn nuôi trong nước đang bị lấn át bởi thịt nhập khẩu, nhập lậu. Ảnh minh họa

Trăn trở về mức giá lợn hơi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh cho hay, hơn một năm qua, giá lợn xuất chuồng luôn ở mức thấp. Ngay cả khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề nhưng giá lợn hơi vẫn dưới hoặc bằng giá thành khiến người chăn nuôi thua lỗ kéo dài, may mắn thì hòa vốn. Theo ông Thanh, thông thường dịp cuối năm giá sẽ tăng nhưng lượng lợn nhập lậu về nhiều nên giá khó mà tăng được.

Chặn nhập lậu, siết tiêu chuẩn nhập chính ngạch

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cảnh báo, với việc nhập sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là nhập lậu, không chỉ người chăn nuôi gặp khó mà người tiêu dùng cũng đối diện với nguy cơ về an toàn thực phẩm. Dù hàng năm sản phẩm chăn nuôi đều tăng, chúng ta lại cho nhập thịt thoải mái, trong khi lượng thịt nhập lậu còn gấp nhiều lần. Đây là nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi.

 

Việc nhập lậu gia súc, gia cầm không được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi trong nước thường trực nhiều mối lo, cơ quan quản lý mệt mỏi. Do đó, phải giải được bài toán về vấn đề nhập lậu, nhập khẩu và xuất khẩu, ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Trong khi sản phẩm chăn nuôi nhập lậu đều không phải chịu thuế, không được kiểm soát dịch bệnh hay chất cấm, sản phẩm chăn nuôi trong nước lại phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Dương đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ để có chính sách đặc thù để tự vệ, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Chẳng hạn như nhập khẩu bò sống, không nên để cho tất cả các cửa khẩu đều nhập khẩu về được mà chỉ cho phép nhập khẩu vào 3 cửa khẩu được chỉ định để kiểm soát.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam Lê Văn Thông đề xuất Bộ NN&PTNT kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ gia súc sống qua biên giới vào Việt Nam vì nguồn lây lan dịch bệnh khó kiểm soát, nguồn thực phẩm thiếu an toàn, không kiểm soát được tận gốc.

Trước tình hình thực tế và khuyến nghị của nhiều chuyên gia, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y rà soát lại các quy định của ngành để siết chặt việc nhập khẩu thịt. Trong đó, trọng tâm là rà soát việc tổ chức lấy mẫu, đồng thời thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thịt nhập khẩu.

Nhận định tình hình buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc buôn lậu gia súc gia cầm và xem xét khởi tố một số vụ buôn lậu để tăng tính răn đe.