Kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, cứu ngành chăn nuôi trong nước

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 19/1, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã và sẽ được ban hành, trong đó đặc biệt là Dự thảo Nghị định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn báo cáo tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn báo cáo tại hội nghị.

Một trong số các Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt và các đề án còn lại đang được khẩn trương xem xét, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển chăn nuôi, trở thành ngành sản xuất hàng hoá, theo định hướng thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Về số lượng đàn trâu, bò khá ổn định, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí cao cho đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch, giá thức ăn chăn nuôi tuy có giảm (từ tháng 6 đến nay đã có khoảng 6 đợt giảm giá) nhưng chưa đáng kể vẫn ở mức cao; chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định. 

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn ước 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%. Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại)...

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương tặng Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho ngành chăn nuôi trong năm 2023.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương tặng Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho ngành chăn nuôi trong năm 2023.

Con số tăng trưởng đầu con và sản phẩm của ngành chăn nuôi là nỗ lực của ngành chăn nuôi trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương mặc dù ngành tăng trưởng khá nhưng người chăn nuôi không phấn khởi. Bởi, chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản xuất chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao; sức tiêu dùng giảm do lạm phát, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm do giảm lực lượng lao động tại một số khu công nghiệp...

Cùng với đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ra diện rộng, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh cúm gia cầm và các bệnh mới xuất hiện. Ảnh hưởng của dịch bệnh đặc biệt gây rủi ro cho khu vực chăn nuôi nông hộ và các trang trại nhỏ...

Mặt khác, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, hội nhập với thế giới về kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là kiểm soát giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu. Song ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh không ngừng gia tăng về các loại thực phẩm giá rẻ, vật nuôi sống ồ ạt nhập vào Việt Nam, trong khi sức mua của thị trường không được cải thiện bao nhiêu, càng làm trầm trọng thêm những khó khăn cho người và ngành chăn nuôi.

Trên cơ sở những khó khăn của ngành chăn nuôi, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan tiếp tục xem xét, nghiên cứu giải quyết các nội dung kiến nghị của Hội Chăn nuôi Việt Nam, để từng bước tạo môi trường pháp lý, điều kiện thuận lợi, phù hợp cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Cụ thể, bổ sung nội dung đất dành cho chăn nuôi vào Luật Đất đai sửa đổi; quỹ đất và các chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi; tăng cường các biện pháp và có chính sách phù hợp trong kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhất là vấn đề công bố dịch và tiêu hủy lợn bệnh.

Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là các sản phẩm nội tạng, vật nuôi loại thải (như gà đẻ trứng sau khi hết chu kỳ khai thác), vấn đề nhập khẩu tiểu ngạch các loại vật nuôi sống vào làm giống và giết mổ…