Đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tăng học phí năm học 2021 – 2022

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để chia sẻ khó khăn và giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ LĐTB&XH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tăng học phí năm học 2021 – 2022.

Bộ LĐTB&XH đã có công văn 1754/LĐTBXH-TCGDNN gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) về việc hướng dẫn thực hiện mức thu học phí trong lĩnh vực GDNN năm học 2021 – 2022.

 Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang thực hành nghề Công nghệ Ô tô. 
Trong công văn 1754, Bộ LĐTB&XH nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Công văn số 3025/VPCP-KTTH về công tác điều hành giá năm 2021; để chia sẻ khó khăn và giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và trong khi chờ Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 được ban hành, Bộ LĐTB&XH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021 – 2022 như năm học 2020 – 2021.
Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GDNN tiếp tục thực hiện miễn giảm học phí cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật GDNN và thực hiện công khai học phí theo quy định.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5/2021 về công tác điều hành giá năm 2021. Trong đó, nhấn mạnh các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Đồng thời, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặc bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuât, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Bên cạnh đó thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung ngay một số văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, chồng chéo, nhất là những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ trong quản lý điều hành giá; đồng thời chủ động các khâu thuộc quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định giá một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quy định giá có thể điều chỉnh giá tại các thời điểm thích hợp...
 
.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần