Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục làm rõ cách thức phạm tội của bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, đồng thời đề nghị kê biên tài sản của bị cáo này. Theo đó, khi nắm được nguyên tắc hoạt động của hệ thống CoreBanking - một hệ thống nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng, bị cáo Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi nhằm hỗ trợ cho ý định phạm tội của mình. Để thực hiện hành vi phạm pháp, tháng 5/2013, Danh đã chỉ đạo các đồng phạm tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking và triển khai thực hiện các giao dịch khống để rút 63 tỷ đồng.
Để làm được việc này, Danh đã nhờ Phạm Việt Thép đứng tên thành lập Công ty An Phát. Tuy nhiên, công ty của Thép lại hoàn toàn không hoạt động và phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Sau khi thành lập Công ty An Phát, nhận sự chỉ đạo của Danh, Mai Hữu Khương - nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn đã tiến hành ký kết hợp đồng với công ty của Thép để cung cấp gói nâng cấp hệ thống CoreBanking trị giá 252 tỷ đồng. Sau đó, Thép đã cho người đi rút tổng cộng 52,5 tỷ đồng ngay khi nhận được tiền từ VNCB. Số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Danh và được bị cáo này dùng để trả lãi vượt trần cho nhóm của bà Trần Ngọc Bích. Ngoài ra, Thép còn cho nhân viên rút 10,5 tỷ đồng để chuyển vào tài khoản của Mai Hữu Khương, Phan Minh Tùng và Trần Anh Thi. Tại phiên tòa, các cơ quan tố tụng cho rằng, để đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả cần phải tiến hành kê biên nhiều tài sản có giá trị của Danh. Cụ thể, số tài sản sẽ bị kê biên gồm 37 bất động sản của Danh hoặc sở hữu của các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh đang là tài sản đảm bảo tại một số ngân hàng như Phương Nam; Agribank chi nhánh Tân Phú; Agribank chi nhánh Láng Hạ… cùng một số tài sản dùng để góp vốn với Công ty CP PVI và 124 sổ tiết kiệm trị giá 5.881 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích (người bị Danh rút mất 5.490 tỷ đồng).
Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh tại phiên xét xử ngày 20/7. Ảnh: Công Tiến |