Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị không quy định xem xét tử hình với tội tham ô tài sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 41, cho ý kiến về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trong đó, quy định bỏ tử hình với một số tội danh tiếp tục là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình với hướng giảm tử hình trên 3 phương diện: Giảm hình phạt ở một số tội; quy định khung định lượng theo hướng nâng lên trong các tội để giảm hình phạt tử hình và không áp dụng hình phạt tử hình với phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, phụ nữ có thai và người phạm tội từ 75 tuổi. Tuy nhiên, việc bỏ hình phạt tử hình với tội phạm chiến tranh như diệt chủng cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn. Bởi luật quy định tội giết người bị xử cao nhất là tử hình, trong khi diệt chủng là giết nhiều người, giết dân thường... lại không có hình phạt tử hình là không nhất quán về chính sách hình sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. 	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, quy định loại tội phạm “có mục đích kinh tế” là không rõ, cần phải quy định cụ thể hơn và người phạm tội này phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Theo đó, đề nghị chỉnh lý lại điểm này như sau: “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lại cho rằng không nên áp dụng quy định với “tội nhận hối lộ” như phương án trên vì nhận hối lộ là rất nghiêm trọng, là hành vi chủ động để tham nhũng. Đồng thời, đồng ý việc xem xét không thi hành án tử hình với tội tham ô tài sản, vì tham ô có rất nhiều hình thức, có trường hợp lợi dụng sơ hở trong quản lý Nhà nước để tham ô, chứ bản chất không phải chủ động tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, tinh thần xây dựng Dự án Bộ Luật vẫn là bớt hình phạt tử hình. Đề nghị không quy định xem xét tử hình với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, mức tiền nhận hối lộ bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm hình sự cần nghiên cứu cho phù hợp hơn. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên vì tính nhân đạo và hội nhập quốc tế. Đối tượng này dù thoát án tử nhưng vẫn phải nhận án tù dài hạn, chung thân chứ không phải được tha bổng. Ý kiến Nhân dân cũng cơ bản tán thành về nội dung này.

Với tội phạm có mục đích kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng tán thành với quan điểm của nhiều người, người bị tuyên tử hình về tội tham ô tài sản khi khắc phục cơ bản hậu quả và lập công lớn thì có thể xem xét không thi hành án tử hình nhưng vẫn chịu án tù dài hạn, chung thân.

Cũng liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình, nhiều ý kiến cho rằng, chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại đề nghị, nên bỏ hình phạt tử hình ở tội này, vì vận chuyển ma túy đa số rơi vào đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa.

Một nội dung đáng lưu ý cũng được nhấn mạnh trong phiên thảo luận là việc bổ sung các tội danh mới, theo đó sẽ tội phạm hóa các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, đặc trưng và có tính nguy hiểm ngày càng cao trong các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông... Cơ bản tán thành việc bổ sung này, nhưng nhiều ý kiến lưu ý: Việc xác định tội danh mới phải trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành, chỉ quy định những hành vi chưa được điều chỉnh trong Bộ luật trên cơ sở đánh giá đầy đủ về khách thể cần bảo vệ cũng như đặc trưng của hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, số tội danh mới được bổ sung cần được rà soát kỹ, tránh sự trùng lặp.

Đối với việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, đa số ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành sự cần thiết bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của loại hình phạt này mà không cần thiết phải mở thêm thủ tục tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) mới để cuối cùng cũng chỉ buộc người bị kết án vào tù.
Coi trọng quyền con người
Ngày 14/9, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị thành viên các Hội đồng tư vấn góp ý đối với Dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh. Bởi việc sửa đổi này mang tính nhân văn, góp phần thu hồi được thất thoát của Nhà nước và của Nhân dân, thể hiện sự phát triển của xã hội. Ngoài ra có ý kiến, xem xét đối tượng giảm án tử hình là người già, phụ nữ có thể giảm mang tính chất phân biệt, bình đẳng giới. Vấn đề dùng tiền để giảm án tử hình, về cơ bản mọi người nhất trí nhưng việc dùng tiền thay cho tử hình phải quy định chặt chẽ. Với tội danh tham nhũng, các ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các tội danh như chạy chức, chạy quyền, làm giàu bất chính, không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập cá nhân… (Anh Quý)