Nâng chất lượng sản phẩm
Nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản của người dân Thủ đô là rất lớn, trung bình khoảng trên 300.000 tấn lương thực, thực phẩm nông lâm thủy sản/tháng. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ gạo là 92.970 tấn; thịt lợn hơi là 18.594 tấn; thịt gà, vịt là 6.198 tấn…
Mặc dù nhu cầu nông sản của thị trường Hà Nội khá cao nhưng chỉ có 20% các loại nông sản, thực phẩm được phân phối qua hệ thống siêu thị, 80% còn lại được phân phối, tiêu thụ thông qua hệ thống chợ truyền thống. Việc này khiến giá cả nông sản thấp, bấp bênh.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, việc hàng hóa nông sản chưa vào được siêu thị cần nhìn nhận dưới hai góc độ. Thứ nhất, do các siêu thị chưa chủ động cung cấp thông tin đến người sản xuất. Thứ hai là do chất lượng của nhiều mặt hàng nông sản còn chưa đảm bảo tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Trên thực tế, nhiều nông dân mới chỉ quan tâm tới số lượng sản phẩm chứ chưa chú ý nâng chất lượng, chưa có bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Trong khi đó, để đưa vào các siêu thị và kênh bán lẻ hiện đại, hàng hóa phải trải qua các quy trình kiểm tra rất khắt khe. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế sản xuất, sau đó mới quyết định ký hợp đồng. Theo ông Chí, để đảm bảo đầu ra ổn định, lâu dài cho nông sản, người sản xuất cần thay đổi tư duy nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã và giá cả sản phẩm.
Hợp tác xã (HTX) rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ) hiện đang sản xuất các loại rau ăn lá theo hướng hữu cơ với tổng sản lượng ước đạt 1.200 tấn/năm, doanh thu ước tính 14 tỷ đồng. Tuy sản lượng sản xuất lớn nhưng hiện nay, đầu ra của sản phẩm không còn là mối bận tâm của HTX.
Bởi 3 năm nay, HTX đã hợp tác đưa hàng vào các siêu thị như Big C, Vinmart, các trường học... “Việc hợp tác cùng hệ thống siêu thị đã mở ra cho HTX cơ hội phát triển và giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng” – Giám đốc HTX Hoàng Văn Khảm khẳng định.
Liên kết để tăng sức mạnh
Ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết, Big C luôn sẵn sàng phối hợp với bộ, ban ngành hỗ trợ các HTX, các hộ nông dân hoặc DN, nhà sản xuất trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại. Qua đó, Big C đã triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ thu mua hàng trực tiếp từ nông dân với chiết khấu 0%; chương trình sinh kế cộng đồng; triển khai các chương trình tuần lễ hàng nông sản.
Tuy nhiên theo ông Hà, ngoài việc chất lượng sản phẩm không đảm bảo, hiện nay điểm yếu nữa của người nông dân là thường xuyên thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất không ổn định và thường xuyên bị đứt hàng.
Nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại như Big C. Tình trạng DN hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến. Số lượng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa nhiều; số lượng sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu vẫn khiêm tốn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho rằng, thực tế cũng có nhiều cá thể đang muốn phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP… nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên không đủ năng lực tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu.
Để nông sản rộng đường vào siêu thị, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất là rất cần thiết. Qua đó không chỉ để xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán ra thị trường mà còn để nâng cao sức mạnh của nhà sản xuất.
"Để sản phẩm vào siêu thị thì phải đáp ứng chất lượng, mẫu mã, đóng gói, bao bì, nhãn mác và số lượng. Để làm được việc này, người nông dân nên tham gia vào các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản." - Giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long Khúc Tiến Hà |