Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất do bão số 7

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Do ảnh hưởng của bão số 7, từ ngày mai (6/10), ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Đây là thông tin mới nhất vừa được Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra.

 
Dự báo,  từ chiều tối mai (6/10), mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2.

   
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực bắc Tây Nguyên.
 
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất do bão số 7 - Ảnh 1
Hình ảnh đường đi của cơn bão. Nguồn: Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương.
 
Hồi 07 giờ ngày 05/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi – Phú Yên khoảng 800 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 06/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Phú Yên khoảng 370 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 07/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ sáng mai (06/10), vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều tối và đêm ngày 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Từ ngày mai (06/10) ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.