Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để quy trình không còn là “tấm lá chắn”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, những sai phạm liên quan đến công tác cán bộ liên tục được phát hiện, điều tra và xử lý.

Từ việc bổ nhiệm “thần tốc”, đến ưu ái cho người nhà đã cho thấy những tiêu cực, lạm dụng quyền lực trong thực hiện quy trình trong bổ nhiệm cán bộ.

Lỗi không ở “quy trình”

Không ít cái tên liên tục được nhắc đến gắn với những sai phạm trong công tác cán bộ, từ Trịnh Xuân Thanh, Trần Vũ Quỳnh Anh, Lê Phước Hoài Bảo… hay những “tập thể làm quan, cả nhà làm quan” ở Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Giang… Việc bổ nhiệm luôn được “người trong cuộc” lý giải là đúng quy trình, nhưng những nghi vấn vẫn liên tục đặt ra và đã sáng tỏ khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc, kết luận rõ sai phạm. “Đúng quy trình nhưng lại không chọn trúng người”, đó là vấn đề được nhiều ý kiến nhận định. Vô tình, quy trình được coi là tấm lá chắn, là cái cớ để bảo vệ, hợp pháp hóa những việc làm sai trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa). Ảnh: Đắc Đức.

Trong vụ bổ nhiệm sai nguyên tắc tại Sở Xây dựng Thanh Hóa, ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã bị Ban Bí thư T.Ư Đảng quyết định kỷ luật cách tất cả mọi chức vụ trong Đảng vì lý do “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Với những sai phạm trong bỏ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bão, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo. Với các quyết định xử lý kỷ luật trên, đã xóa bỏ những nghi ngờ trong dư luận về những đồn thổi bấy lâu, rằng “con quan rồi lại làm quan”, “tiền tệ, hậu duệ hơn trí tuệ”…

Nhưng câu hỏi tại sao việc đề bạt bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn còn có những người yếu kém, sai phạm vẫn liên tục được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về chức danh lãnh đạo quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học hợp lý với các hệ thống ngạch bậc, chức danh chuyên môn. Các “biến thể” trong hệ thống chức danh như hàm, việc thi nâng ngạch đang trở thành một cơ chế “cứu cánh” để giải quyết các vấn đề.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, từ trước đến nay, các quy định, quy trình bổ nhiệm cán bộ của ta cũng rất chặt chẽ, tuy nhiên thực tế là người thực hiện quy trình đó họ không gương mẫu. Tức là vẫn qua các bước trong quy trình, lấy ý kiến chỗ nọ chỗ kia, cũng thông qua thường vụ, cấp ủy… nhưng lại bổ nhiệm những người không đủ tiêu chuẩn, không xứng chức. Cán bộ ở đó lại nể nang, sợ va chạm, không dám đấu tranh kiên quyết cho nên khi đưa ra giới thiệu thì đều đồng ý.

Xác định rõ trách nhiệm

Để kiểm soát quyền lực, ngăn những vi phạm, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư đã xây dựng nhiều quy định mới thay thế cho các quy định cũ về công tác cán bộ. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó phân cấp rõ ràng thẩm quyền về công tác cán bộ, đồng thời xác định luôn trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, cơ quan quyết định thế nào. “Trước đây, do quy định không cụ thể nên khi có một việc lỗi thì không tìm ra được người chịu trách nhiệm, hoặc có thì trách nhiệm lại không rõ” - Trưởng ban Tổ chức T.Ư nói.

Với những điểm mới đáng chú ý như cán bộ được bổ nhiệm phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng; không quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ bị kỷ luật. Những vấn đề về công tác cán bộ và cán bộ phải do tập thể cấp ủy và tổ chức Đảng có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số… Nhiều ý kiến cũng đồng tình, Quy định sẽ tạo ra sự bứt phá trong thực hiện công tác cán bộ và chống tham nhũng.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Quy định sẽ có tác dụng tích cực, đưa công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ đi vào “quy lát”. Với những yêu cầu, điều kiện hết sức cụ thể, đây là căn cứ quan trọng để các cấp thực hiện cho chuẩn. Chắc rằng sẽ không còn tình trạng vận dụng “quy trình” một cách bừa bãi để tìm người nhà chứ không phải tìm người tài, tránh tình trạng một người làm quan cả họ được nhờ.

Cùng với quy trình được siết chặt hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng các hình thức thi tuyển lãnh đạo, quản lý góp phần lựa chọn được những người xứng đáng. Việc thi tuyển sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng như khắc phục tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.

Để xảy ra các vụ việc như vừa qua là do quyền lực không được kiểm soát. Bây giờ, tại sao đưa con, đưa cháu, chắt nhà mình vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình? Nhưng thực tế có phải quyền lực của mình đâu, mà mình chỉ được giao chức vụ, giao quyền đó để thay mặt nhà nước, tổ chức thực hiện. Nhưng nhiều người coi quyền đó như là quyền riêng của mình rồi ban phát, xin cho, đưa người nhà, người thân vào.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính 


Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ bây giờ cũng đã từng bước công khai rồi. Nhưng kể cả công khai mà vẫn cứ lợi dụng quy trình, bản thân người thực hiện không gương mẫu, lợi dụng quy trình để bổ nhiệm con cháu, người nhà thì công tác cán bộ vẫn bị thực hiện méo mó. Việc thi tuyển các chức danh như Bộ Nội vụ, Quảng Ninh, Ban Tổ chức T.Ư… đang làm là cách làm cần phát huy. Tuy nhiên, cái chính vẫn là sự gương mẫu của người đứng đầu, của lãnh đạo tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nghiêm các quy định.

Nguyên ĐB Quốc hội Bùi Thị An