Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Thông tư 30 không còn là ám ảnh của giáo viên

Trung Anh ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học theo Thông tư (TT30) được đánh giá có tính nhân văn và có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, TT30 còn những bất cập cần sửa đổi để phù hợp thực tế hơn trong năm học mới sắp tới. Ông Bùi Tiến Dũng – Hiệu trưởng trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội cho rằng, để TT30 thực sự mang lại hiệu quả, trước hết phải có sự chuẩn bị từ cơ sở vật chất, giáo trình đến hướng dẫn giáo viên (GV).

“TT30 rất hay, mang tính nhân văn, nhưng thực tế Bộ GD&ĐT thực hiện ngược quy trình, làm giáo điều, thời điểm chưa phù hợp. Ví dụ: Cách bơi ngửa thế nào, bơi bướm ra sao? Chưa hiểu, chưa biết, thế nhưng đang trong quá trình dạy bơi tự do lại đi yêu cầu dạy và đánh giá bơi ngửa. Còn sách giáo khoa đang dạy 3 + 7 = 10, nhưng chưa dạy về kỹ năng... Phải chỉ dẫn để GV biết chuyển hóa sách giáo khoa, chuyển hóa phương pháp dạy. Phải dạy, hướng dẫn GV hiểu được phẩm chất, bởi dạy lớp 1 khác với lớp 2...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nói về cái khó của TT30 qua gần 2 năm thực hiện, ý kiến phản ánh của rất nhiều GV, hiệu trưởng nhà trường đều cho rằng việc nhận xét cho học sinh (HS) tiểu học gặp rất nhiều khó khăn nên dẫn tới sự đánh giá HS đúng theo TT30 khá vất vả. Trước hết, nó không phù hợp với những lớp đông HS. Tiếp nữa, nếu đánh giá bằng điểm số, ví dụ kiểm tra một khối lớp, chẳng hạn 20 lớp, hiệu trưởng chỉ cần xem 20 trang giấy, biết được chất lượng HS thế nào. Nhưng bây giờ để kiểm soát một khối lớp khoảng 600 HS, hiệu trưởng buộc phải đọc 600 tờ giấy mới biết chất lượng HS ra sao qua diễn đạt của cô chủ nhiệm…

Để TT30 không còn là nỗi “ám ảnh” của GV tiểu học, các nhà quản lý giáo dục cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của GV trực tiếp đứng lớp, khó khăn thế nào, kiến nghị gì?... Những gì không cần thiết, hình thức thì bỏ để GV tập trung vào công việc giảng dạy hàng ngày. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn GV biết cách soạn giáo án theo mục đích mới, phương án mới, tiến trình bài giảng, dạy cách kiểm tra nhận xét, đánh giá. Thực hiện TT30, từ quá trình học, dạy hàng ngày hướng tới kết quả cuối cùng là sản phẩm. Sự thay đổi nào cũng hướng tới hiệu quả công việc, mà hiệu quả công việc trong giáo dục là chất lượng tiếp cận của học trò qua các đơn vị kiến thức và lĩnh hội được các giá trị sống xung quanh mình. Đường đi của TT30 tốt, tuy nhiên cách làm chưa ổn. Hy vọng tới đây, Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh phù hợp thực tế để TT30 thực sự mang lại hiệu quả”.