Để triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đạt hiệu quả cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT- Đánh giá về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, TS.Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng gói giải pháp sẽ góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất và mở rộng tiêu thụ sản phẩm...

Gói giải pháp hỗ trợ theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đang được coi là cú hích cho các doanh nghiệp để trụ vững và phát triển. Ông có đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ này trong thời điểm hiện nay, thưa ông?

TS Cao Sỹ Kiêm: Gói giải pháp hỗ trợ lần này của Chính phủ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Trước đây chúng ta chỉ có giãn, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng bây giờ bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất và hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, giải quyết hàng tồn kho.

Đây là những điểm rất mới, số lượng hỗ trợ tương đối nhiều, mức độ, phạm vi cũng tương đối rộng, sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp vừa trụ vững, vừa giữ được lao động và có điều kiện chuẩn bị những yếu tố cần thiết để khi tình hình tốt lên thì tập trung phát triển sản xuất. Đối với một số doanh nghiệp sản xuất bình thường thì cũng là điều kiện để bứt lên và phát triển. Đấy là những yếu tố tích cực trong gói hỗ trợ của Chính phủ.
 
Theo ông, các doanh nghiệp đón nhận sự hỗ trợ này của Chính phủ như thế nào?

TS Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi các doanh nghiệp rất phấn khởi khi đón nhận sự hỗ trợ này vì đã có những tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp tự soi vào, thấy được mình cần gì, để từ đó sẽ có cách tiếp cận.

Tuy nhiên, cần phải xác định cụ thể gói hỗ trợ này sẽ giải quyết cho ai, như thế nào vì doanh nghiệp nợ thuế hoặc gặp khó khăn không đều nhau và ngành nghề khác nhau nên cần phải được đánh giá đầy đủ, xác định một cách rõ ràng, trên cơ sở đó đưa ra những tiêu chí hợp lý kể cả nội dung và mức độ giải quyết. Từ đó mới áp vào đúng địa chỉ để tránh không bị tổn thất và rủi ro, tạo lòng tin cho doanh nghiệp.

Tuy không thể giải quyết tất cả những vấn đề mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải nhưng đây chính là “huyệt” đúng chỗ để doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển được. Nó có tính lan tỏa, tạo động lực, yếu tố vật chất mới cho doanh nghiệp. Điều đó rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay.

Có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp thời gian qua chỉ sống dựa vào nguồn vốn ngân hàng hay thành lập ra chỉ để tranh thủ những lợi thế ngắn hạn nên lúc thị trường gặp khó khăn thì tất yếu cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS Cao Sỹ Kiêm: Chính điều đó nên mới cần phải đánh giá rất sát, rất cụ thể tình hình của doanh nghiệp để chúng ta có giải pháp, có chính sách cụ thể. Nếu đánh đồng thì sẽ có doanh nghiệp không khó khăn thực sự cũng được hỗ trợ, gây lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực này. Thứ hai là tạo ra sự mất công bằng và mất lòng tin đối với doanh nghiệp cũng như hiệu quả của chính sách sẽ không đạt được.

Ông đánh giá điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời điểm hiện nay là gì?

TS. Cao Sỹ Kiêm:
Đó chính là việc thành lập quá nhanh nên yếu tố chuẩn bị không được đầy đủ, không đáp ứng được những vấn đề như chất lượng nguồn lực, hiểu biết về luật pháp, phương pháp quản lý hay những yếu tố trong việc khai thác và giới thiệu thị trường.

Chúng ta phải phân loại cụ thể khó khăn của doanh nghiệp. Khó khăn nào do khách quan thì phải có trách nhiệm giúp đỡ, những khó khăn do chủ quan, do yếu kém không quản lý, không thích nghi được có cứu cũng không cứu được thậm chí kéo cả tình hình chung xuống thì cần phải xử lý triệt để. Quan trọng nhất vẫn là đánh giá cho chính xác để xác định doanh nghiệp nào xứng đáng hỗ trợ.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần phải làm gì tự cứu mình trong những thời điểm khó khăn, thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm:
Hỗ trợ của Nhà nước chỉ là một phần để động viên, khích lệ còn quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tự đánh giá lại mình, xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình và phải tự vươn lên, tự tiếp thu thì mới có kết quả.

Còn nếu “cứ yếu là xin, thiếu là kêu”, không năng động, chủ quan, không có chiến lược rõ ràng, không có  tư duy sáng tạo, không có công nghệ, công nhân lành nghề và trình độ quản lý tốt mà đòi hỏi phải giúp đỡ thì chắc chắn là sẽ gặp khó khăn và cũng không nên giúp đỡ những đối tượng này nhiều.

Theo ông, làm thế nào để triển khai gói hỗ trợ này một cách hiệu quả nhất?

TS. Cao Sỹ Kiêm:
Có ba việc phải làm, một là đánh giá cho rõ thực trạng, hai là phải cụ thể hóa giải pháp và công khai hóa giải pháp, ba là phải có lộ trình thực hiện một cách nghiêm minh và phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, kịp thời xử lý các vi phạm.