Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để trường nghề hấp dẫn học sinh

Oanh Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu hút học sinh đi học nghề là bài toán được đặt ra đối với ngành LĐTB&XH. Theo Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Bộ LĐTB&XH Vũ Xuân Hùng, các cơ sở GDNN nhiều năm không tuyển sinh được sẽ bị sáp nhập, mỗi địa phương chỉ có một trường công lập đào tạo nghề.

 Vụ trưởng Vũ Xuân Hùng
Nhiều giải pháp thu hút thí sinh
Thưa ông, năm 2020, ngành GDNN dự kiến sẽ tuyển bao nhiêu chỉ tiêu cho tất cả các trình độ?
- Năm 2020, chúng tôi vẫn giữ nguyên số lượng tuyển sinh như năm 2019 với 2.260.000 chỉ tiêu cho các trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC), sơ cấp. Trong đó, sẽ tăng chỉ tiêu ở hệ sơ cấp và ngắn hạn. Điều này không phải do thị trường lao động cần nhiều nhân lực trình độ TC hơn. Hiện nay, các DN ở khu vực kinh tế tư nhân đang cần lao động giản đơn chiếm tỷ trọng lớn, không đòi hỏi tính chuyên môn cao. Tuy nhiên, trong tương lai, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các DN sẽ có nhu cầu nhiều hơn lao động trình độ kỹ thuật và chất lượng cao.
Thu hút học sinh đi học nghề vẫn là bài toán cần lời giải đối với Bộ LĐTB&XH và Tổng cục GDNN, thưa ông?
- Tại Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và chỉ đạo, ngành LĐTB&XH đã đưa ra rất nhiều giải pháp. Chúng tôi xác định, muốn đào tạo có chất lượng thì trước tiên phải có số lượng. Chính vì thế, giải pháp đầu tiên liên quan đến phát triển hệ thống là tập trung tăng cường số người học bằng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người, xã hội về GDNN. Qua đó, mọi người có thể hiểu biết hơn về những thông tin thị trường lao động, đào tạo nói chung, trong đó có GDNN, từ đó lựa chọn con đường đi chính xác. Cách làm này cũng tránh trường hợp nhiều năm nay có tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng nhiều.
Một giải pháp nữa là chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung thực hiện mô hình 9+ theo Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho học sinh liên thông THCS lên CĐ - đã được Bộ LĐTB&XH thí điểm mang lại kết quả khả quan. Song song với đó, đẩy mạnh hình thức tuyển sinh. Ngoài tuyển sinh truyền thống, các trường đang đẩy mạnh truyền thông online, trực tuyến thông qua app di động. Hiện nay, trên app này đã có danh mục chọn trường, chọn nghề, tới đây sẽ nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng tốt hơn yêu cầu tìm hiểu thông tin của xã hội, người học. Tổng cục GDNN sẽ ra một website đăng ký tuyển sinh và quản lý tuyển sinh, giúp cho các trường, địa phương và T.Ư nắm được tình hình trong cả nước. Ngoài ra là những giải pháp liên quan đến các điều kiện bảo đảm chất lượng (nhà giáo, chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị) tạo sự hấp dẫn đối với người học.
Tổng cục GDNN cấp chứng chỉ bảo đảm tay nghề
Tới đây hệ thống GDNN sẽ được quy hoạch thế nào để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề?
- Trong Nghị quyết 19 của T.Ư, những trường có năng lực đào tạo kém, nhiều năm không tuyển sinh được sẽ bị sáp nhập và giao quyền cho các bộ, ngành, địa phương xem xét. Ví dụ, trên địa bàn địa phương có nhiều trường đào tạo nhiều ngành nghề trùng nhau sẽ thực hiện sáp nhập lại còn 1 – 2 trường. Thậm chí, mỗi địa phương chỉ có một trường công lập về đào tạo nghề. Về nội dung này, Bộ LĐTB&XH đã có hướng dẫn trong các hội nghị của ngành nhưng văn bản chính thức thì chưa. Có thể, tới đây, Bộ sẽ có hướng dẫn cho các địa phương theo đó thực hiện.
Về phía Tổng cục GDNN có hỗ trợ các trường như thế nào trong đào tạo nghề?
- Gắn kết với DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá của Bộ LĐTB&XH trong thời gian qua. Vừa mới đây, chúng tôi có ký kết với Công ty Daikin Việt Nam trong năm 2020 này tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên hạt nhân cho các trường ở lĩnh vực điều hòa không khí, công nghệ nhiệt. Sau đó, các trường sẽ tiến hành bồi dưỡng khoảng 3.500 kỹ thuật viên ngành điều hòa không khí cho cả nước trong giai đoạn sau. Các trường đào tạo ngành nghề này cũng phải cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ, để người học xong đáp ứng nhu cầu DN một cách tốt nhất.
Một vấn đề nữa tôi muốn nói đến trong việc hợp tác với Daikin, đó là 3.500 kỹ thuật viên sau khi được đào tạo sẽ được Tổng cục GDNN và Daikin phối hợp cấp chứng chỉ - là thứ bảo đảm chất lượng tay nghề. Sau đó, họ sẽ lan tỏa trong thị trường lao động chuyên về dịch vụ sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí. Từ mô hình của Daikin mang đến thành công, chúng tôi sẽ hướng tới các lĩnh vực Du lịch, Công nghệ ô tô, Điện tử, Điện... Làm như vậy sẽ quản lý được đội ngũ lao động tham gia vào thị trường nhân lực và khách hàng yên tâm khi sử dụng sản phẩm trường nghề đào tạo ra.
Xin cảm ơn ông!