Những ý kiến trên được các DN, nhà nghiên cứu, quản lý văn hoá đưa ra tại Hội thảo khoa học “Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp chưa bền vững
Sự khủng hoảng của các DN do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, nhiều DN đã không ngừng đổi mới sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh. Một số DN lớn, có uy tín và truyền thống lâu năm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch.
Theo PGS.TS Lê Thị Bích Thuỷ - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Nhiều DN Việt Nam đã xây dựng văn hóa DN dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững và đem lại thành công cho DN như Tập đoàn FPT, Tổng công ty sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Vingroup, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Tại những DN này, các hoạt động xã hội được đề cao như từ thiện, bảo vệ môi trường, các cam kết, triết lý kinh doanh được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Đồng thời, hành vi cá nhân tại nơi làm việc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc và nghiêm túc thực hiện, diện mạo DN được quan tâm xây dựng và trang trí đẹp mắt gây ấn tượng mạnh mẽ, tạo nên tâm lý thoải mái với khách hàng và đối tác. Sự thể hiện đó đã góp phần làm nên đặc trưng cho DN, tạo ra sự thành công cho các thương hiệu của các DN trong thời gian qua.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, những mâu thuẫn của mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế biểu hiện ngày càng gay gắt, phức tạp, khó lường. DN thường chạy theo lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến các giá trị văn hóa và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Xu hướng gạt bỏ các giá trị văn hóa và nhân văn ra khỏi hoạt động kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét trong đời sống xã hội.
TS Nguyễn Huy Phòng - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Một trong những rào cản khiến cho việc thực thi VHDN gặp nhiều khó khăn là tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, lợi dụng kẽ hở của chính sách, pháp luật để trục lợi, đầu tư dàn trải, gây lãng phí lớn cho ngân sách quốc gia. Một số vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp gây bức xúc dư luận những năm qua đã bị khởi tố, xét xử liên quan trực tiếp đến người đứng đầu các tập đoàn, công ty, DN như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh.
Văn hoá giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp
Theo kết quả khảo sát của Blue – C (công ty tư vấn quản lý pháp lý) tại 113 DN Việt Nam, có khoảng 66,36% lãnh đạo nhận thấy vai trò của VHDN là quan trọng hoặc rất quan trọng. Tuy nhiên, có 56,64% DN không có ngân sách dành riêng cho văn hóa, hoặc có nhưng rất hạn chế, vẫn còn một số DN ở Việt Nam xây dựng văn hóa DN mang tính hình thức.
Trong khi đó, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, VHDN góp phần giảm thiểu thiệt hại cho mỗi DN và cả nền kinh tế. Một DN hình thành được văn hóa tốt sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, đồng thời có thể gây dựng thương hiệu từ chính khó khăn đó.
Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup Lê Mai Lan đã từng phát biểu: “Văn hóa là tài sản lớn nhất, là sức mạnh cho VinGroup thành công”; Giám đốc Quan hệ công chúng Tập đoàn Viettel Nguyễn Hà Thành cũng nhận định tương tự khi khẳng định: “Văn hóa Viettel là sức mạnh! Sự giúp đỡ người nghèo, những ngƣời đang ở tuyến đầu chống dịch của các tổ chức, DN, hy sinh vì lợi ích quốc gia của các DN đã để lại ấn tượng tốt, từ đó trở thành cơ sở để xây dựng thương hiệu cho chính các DN”.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Để VHDN thể hiện tốt hơn sức mạnh của mình, chúng ta cần làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là chủ DN về tầm quan trọng của văn hóa DN; nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, hiệp hội DN, đặc biệt là Hiệp hội Phát triển VHDN Việt Nam (VNABC) từ đó lan tỏa những chương trình về VHDN, tạo môi trƣờng kinh doanh lành mạnh, minh bạch qua việc hoàn thiện thể chế, pháp luật; xây dựng và lan tỏa những tấm gương VHDN tiêu biểu, lan tỏa những hành động đẹp, trách nhiệm xã hội của các DN, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật của một số DN, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
Tóm lại, VHDN chính là tài sản vô hình của mỗi DN. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh của các DN thực chất chính là sự cạnh tranh của VHDN.
Đối với DN, giá trị cốt lõi của thương hiệu chính là kim chỉ nam quyết định sản phẩm DN cung cấp, đối tượng khách hàng DN hướng tới, quyết định hướng đi của DN. Tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ngày 7/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: VHDN là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của VHDN mà còn là tài sản của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy