Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất 2 phương án thang, bảng lương doanh nghiệp

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để DN không tìm cách sa thải người lao động (NLĐ) có thâm niên, Bộ LĐTB&XH đang đề xuất quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương nhằm giảm dần và tiến đến bãi bỏ can thiệp của Nhà nước vào xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động của DN.

Theo Bộ LĐTB&XH, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Và, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích luỹ kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
 Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các DN.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của DN, cũng như không phù hợp với cơ chế thị trường.

Có nhiều DN xây dựng thang bảng lương theo thâm niên để bảo đảm khoảng cách ít nhất 5% dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc. Chẳng hạn, cùng làm một công việc nhưng DN phải trả lương, chi phí bảo hiểm cho NLĐ làm 15 – 20 năm cao gấp 2 -3 lần người mới vào làm việc. Thực trạng này dẫn đến DN không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm cách sa thải NLĐ để tuyển người mới.
Trước thực tế này, Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP. Trong đó, Bộ đề xuất 2 phương án về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương nhằm giảm dần và tiến đến bãi bỏ can thiệp của Nhà nước vào xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động của DN.

Phương án 1, quy định mang tính chất định tính để DN và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể. Theo đó, số bậc của thang lương, bảng lương do DN quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích luỹ kinh nghiệm, phát triển tài năng.

Ưu điểm của phương án 1 là tăng quyền tự chủ cho DN trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm, do khả năng thương lượng của NLĐ còn hạn chế, sức ép về việc làm lớn, tổ chức đại diện NLĐ chưa đủ mạnh dễ dẫn đến tình trạng DN ép trả tiền lương ở mức thấp.

Phương án 2, vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này. Cụ thể, số bậc của thang lương, bảng lương do DN quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lượng liền kề phải bảo đảm khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích luỹ kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Phương án này có ưu điểm Nhà nước vẫn tạo ra sàn thấp nhất để tránh tình trạng DN ép tiền lương của NLĐ ở mức thấp. Nhưng lại có nhược điểm hạn chế quyền chủ động cho DN trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương, gây ảnh hưởng đến cấu trúc thang lương, bảng lương khi DN xây dựng.

Theo Bộ LĐTB&XH, trong điều kiện thị trường lao động, năng lực của công đoàn cơ sở, sức ép việc làm hiện nay, cần có lộ trình thực hiện, vì thế, Bộ này đề nghị chọn phương án 2.