Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất bổ sung chi phí nhà ở vào tiền lương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện để trình Chính phủ, việc hỗ trợ nhà ở được thực hiện theo nguyên tắc không áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các đối tượng

KTĐT - Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện để trình Chính phủ, việc hỗ trợ nhà ở được thực hiện theo nguyên tắc không áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các đối tượng mà mỗi loại đối tượng khác nhau được áp dụng theo từng hình thức và biện pháp hỗ trợ phù hợp khác nhau.

 

Tạo quỹ đất thì mới có nhà

 

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, riêng trong giai đoạn 2011 - 2020, cần đầu tư xây dựng khoảng 600.000 căn hộ, tương khoảng 30 triệu mét vuông sàn. Tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý III/2010, tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn này khoảng 180.000 tỷ đồng gồm nguồn vốn Nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng dành để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước và vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 144.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội với hai hình thức bán hoặc thuê mua.

Để đảm bảo điều kiện hình thành quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, một trong những yếu tố quan trọng là phải có quỹ đất để xây dựng quỹ nhà ở này. Bộ Xây dựng cho rằng, để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thì ngoài quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên để xây dựng nhà ở xã hội, khi lập và phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất cần phải đảm bảo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội chiếm ít nhất 10% tổng diện tích đất phát triển nhà ở đô thị. Do đó, trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch (gồm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất) phải xác định rõ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho các đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở. Khó khăn hiện nay đối với việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội đó là hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai nói riêng chưa có những quy định cụ thể về việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

 

Dùng nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau

 

Giải pháp cơ bản của Chiến lược phát triển nhà ở là tập trung phát triển nhà ở xã hội thông qua các hình thức Nhà nước đầu tư từ ngân sách để xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà ở thông qua cơ chế tạo điều kiện ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm thuế, miễn tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và cho phép doanh nghiệp tự xác định giá trong trường hợp doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo nguyên tắc và phương pháp xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua do Nhà nước quy định.

 

Nếu như các giải pháp nêu trên là"đường quốc lộ" trong việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội thì xác định những giải pháp thích hợp cho từng đối tượng chính sách xã hội được ví như việc mở ra nhiều con đường để đi đến mục tiêu an cư cho người có thu nhập thấp. Bộ Xây dựng đề xuất, đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở, bên cạnh giải pháp thuê nhà xã hội, cần điều chỉnh cơ cấu tiền lương và thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình. Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng có thể thông qua hình thức hỗ trợ bằng tiền (từ nguồn ngân sách Nhà nước); được miễn, giảm tiền nhà, tiền sử dụng đất khi mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc khi được Nhà nước giao đất ở. Với người nghèo khu vực nông thôn và hộ nghèo đô thị đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ áp dụng theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tự làm.