Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất cấm hoàn toàn sản xuất, kinh doanh, quảng cáo các loại thuốc lá mới

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 5/7, tại hội thảo về công tác phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến đề xuất cấm hoàn toàn việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các loại thuốc lá mới.

Mỗi năm, 70.000 người Việt chết vì các bệnh do thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam xấp xỉ 380.000 ca/năm, chiếm 73% tổng số ca tử vong và làm giảm đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm được biết rất rõ là do sử dụng thuốc lá, thực phẩm mất an toàn và thiếu hoạt động thể chất.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Đinh Thị Thu Thuỷ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Nguyên
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Đinh Thị Thu Thuỷ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Nguyên

Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được it nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và trên 40% các bệnh ung thư. Chính vì vậy, việc thay đồi lối sống, thay đối các hành vi nguy cơ đề bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới.  Tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, hiện nay do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này đang được nhập lậu vào Việt Nam, đã tiếp cận giới trẻ và dẫn đến tình trạng số bệnh nhân nhập viện gia tăng do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Một số sản phẩm thuốc lá mới được giới trẻ ưa dùng hiện nay. Ảnh: Nhật Nguyên
Một số sản phẩm thuốc lá mới được giới trẻ ưa dùng hiện nay. Ảnh: Nhật Nguyên

Đề cập đến tác hại của thuốc lá mới, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau. Mỗi năm, khoảng 70.000 người Việt Nam chết vì các bệnh do thuốc lá. Tại Trung tâm chống độc đã cấp cứu cho rất nhiều trẻ em nhập viện sau khi hút thuốc lá điện tử. Đáng lo ngại, nhiều bệnh nhân hút thuốc lá chứa chất cấm là ma tuý, cần sa, trong số bệnh nhân nhập viện, có tới 51,7% có biểu hiện rối loạn về cảm xúc, tâm thần, trong đó gồm kích động la hét, ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi.

TS Nguyễn Trung Nguyên đề xuất, cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam. “Đã cấm là cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi” - TS Nguyên nhấn mạnh. 

Nhiều vướng mắc trong quản lý, ngăn chặn thuốc lá mới

Trước những bằng chứng về sự nguy hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Đinh Thị Thu Thuỷ dẫn chứng: Hiện có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cẩm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm (Hồng Kông, Đài Loan, Venezuela). Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. 

Bên cạnh đó, quản lý thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ được quy định tại 3 quốc gia gồm là Chile, Úc và Nhật. 88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối liên minh Châu Âu).

Cũng theo bà Thuỷ, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa có khái niệm hay định nghĩa về "Thuốc lá điện tử","Thuốc lá nung nóng", Luật này cũng chưa quy định về thiết bị điện tử đi kèm nên thiếu cơ chế pháp lý quản lý các sản phẩm này. Việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương đang xử lý vi phạm mặt hàng này chủ yếu hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ. Còn Bộ Công an chủ yếu xử lý hành vi vi phạm về pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh chất ma túy và chất cấm trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, kinh doanh hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ.

Một khó khăn, thách thức vô cùng lớn khác, đó là các công ty thuốc lá cần mở rộng thị trường và đa dạng đối tượng người sử dụng, đặc biệt giới trẻ là nguồn khách hàng tiềm năng và tương lai sẽ sử dụng các sản phẩm này trong thời gian dài. Đã nhiều bằng chứng về các hoạt động vi phạm quảng cáo, khuyên mại sản phẩm này cho giới trẻ, đặc biệt trên internet.

Để tăng cường công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Phía quản lý, ông Nguyễn Trọng Khoa cũng cho biết, về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật nhằm bảo đảm tính ốn định trong triển khai thực hiện.