Theo đó, Bộ Tài chính đánh giá, việc UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh (Công ty Metro số 1) từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách TP, với số tiền là 268 tỷ đồng để đảm bảo mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng là phù hợp với quy định.
Để đảm bảo căn cứ pháp lý, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ ban hành nghị quyết về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với công ty trên. Trong đó, Chính phủ giao Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty và doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo thẩm quyền.
UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty theo quy định của pháp luật (bao gồm việc xác định vốn điều lệ cần bổ sung và nguồn bổ sung). Sau khi công ty tiếp nhận tài sản hoàn thành bàn giao từ dự án metro số 1, TP Hồ Chí Minh chỉ đạo công ty xây dựng phương án xác định lại vốn điều lệ theo đúng quy định.
Cùng với phương án trình bổ sung vốn điều lệ của Bộ Tài chính, về giải pháp trước mắt, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở ngành liên quan nghiên cứu phương án cho tạm ứng kính phí để công ty giải quyết tiền lương cho người lao động trong bối cảnh Tết đang cận kề.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị phương án bổ sung 268 tỷ đồng vào vốn điều lệ cho Công ty Metro số 1 đủ kinh phí hoạt động, bởi từ lúc thành lập đến nay, công ty không được cấp kinh phí (ngoài số tiền 14 tỷ đồng vốn điều lệ để mua sắm thiết bị văn phòng cơ bản).
Suốt nhiều năm qua, đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động vì hết tiền, không ít lần công ty này đã "kêu cứu" các cấp có thẩm quyền. Và thực tế là suốt cả năm qua, người lao động công ty không nhận được bất kỳ khoản thanh toán tiền lương nào.
Nhiều nhân sự có trình độ cao từ nước ngoài về đầu quân công ty cũng lần lượt bỏ đi. Còn cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu công ty phải trả ngay số nợ bảo hiểm... hơn 1 tỷ đồng. Nếu không, họ sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử phạt theo quy định.
Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc giải quyết sớm kinh phí không chỉ giúp những người lao động còn bám trụ lại công ty được trả lương, nhất là khi thời điểm Tết nhất cận kề mà còn là "cơ hội cuối" để chuẩn bị kịp đội ngũ nhân sự vận hành metro theo đúng kế hoạch và mong chờ của người dân TP.
Dự án xây dựng metro khởi công từ tháng 8/2012. Tất cả đoàn tàu đều được sản xuất tại Nhật Bản. Mỗi đoàn gồm 3 toa dài 61,5m, có thể chở 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa thiết kế là 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h ( đoạn hầm).
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), đến nay toàn tuyến metro số 1 đã đạt khoảng 93% khối lượng, nhiều gói thầu đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu cho hay đây là thời điểm tốt nhất để các nhân sự kỹ thuật, vận hành, bảo dưỡng có thể tiếp cận, quan sát, chứng kiến quá trình thi công, lắp đặt thực tế.
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ chạy thử vào ngày 21/12/2022
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), từ 9 - 10 giờ 30 ngày 21/12 tại ga bến xe Suối Tiên, ban này sẽ tổ chức lễ chạy thử nghiệm tàu metro số 1 đoạn trên cao, từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái.
Lộ trình cụ thể, bắt đầu từ đoạn trên cao từ ga bến xe Suối Tiên, đi qua ga Đại học Quốc gia đến ga công nghệ cao (dừng lại cho khách tham quan 5 phút). Sau đó, tiếp tục lên tàu đi qua ga Thủ Đức đến ga Bình Thái và kết thúc.
Sau khi kết thúc hành trình tại ga Bình Thái, các thành viên trong đoàn có thể rời ga Bình Thái hoặc theo tàu đi ngược về lại ra ga bến xe Suối Tiên.
Để công tác tổ chức lễ chạy thử nghiệm được an toàn và chu đáo, Ban quản lý đường sắt đô thị kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao cho ban này phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND TP Thủ Đức tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh, y tế.