Đề xuất công tác xét nghiệm Covid-19 đối với TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/9, Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh (Bộ phận thường trực) đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp trong công tác phòng chống dịch sau ngày 15/9/2021.

 Triển khai xét nghiệm test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Ảnh HCDC
Cụ thể, qua theo dõi và đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh sau khi áp dụng hàng loạt các biện pháp chống dịch từ ngày 15/8/2021 đến ngày 10/9/2021 theo kế hoạch 2716/KH-UBND của TP này, Bộ phận thường trực đã có nhận định: Các quận, huyện và TP Thủ Đức đã khẩn trương, quyết liệt triển khai kế hoạch xét nghiệm theo kế hoạch, vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đã thu gọn trong tổ dân phố, các trường hợp nhiễm mới đã được phát hiện với số lượng nhỏ, rải rác. Nguồn lây thâm nhập từ bên ngoài TP hoặc trong cộng đồng dân cư đã được kiểm soát như các huyện: Củ Chi, Cần Giờ, quận 7, TP Thủ Đức. Tuy nhiên, vẫn còn một số quận huyện triển khai chưa đạt được kế hoạch chỉ tiêu như các quận 10, 11, 4, Bình Thạnh.
Để sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19 và từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới theo kết luận số 160-KL/TU ngày 7/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bộ phận thường trực đã đề xuất một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác xét nghiệm sau ngày 15/9/2021. Cụ thể sau:
Trong công tác xét nghiệm sẽ xét nghiệm thường quy để tầm soát, phát hiện sớm nguồn lây nhiễm, kiểm soát nguồn lây nhiễm trong cộng đồng; xét nghiệm lặp lại nhiều lần tại các vùng nguy cơ cao, khu vực đang bùng phát dịch bệnh; phối hợp các kỹ thuật xét nghiệm để đảm bảo có kết quả nhanh (dưới 24 giờ), hiệu quả và tiết kiệm.
Về kế hoạch xét nghiệm kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới, sẽ tiếp tục đánh giá xác định vùng nguy cơ theo tiêu chí: Tổng số ca mắc; số ca mắc trong 7 ngày gần nhất; tỷ lệ tiêm chủng.
Thực hiện xét nghiệm theo vùng nguy cơ theo quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Tổ chức triển khai xét nghiệm kiểm soát trong giai đoạn bình thường mới thông qua các giải pháp chủ động tầm soát lây nhiễm trong cộng đồng: Khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho bản thân và cho gia đình thường xuyên (tần suất khoảng 3 ngày/lần). Đặc biệt, đối với người thường xuyên tiếp xúc với người ngoài; tầm soát những trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp: Thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.
Tầm soát tại các điểm thường xuyên có tụ tập đông người như các chợ, trường học, bệnh viện, sân ga, bến xe, bến tàu, doanh trại quân đội, khu công nghiệp, lực lượng shipper… Tùy từng đối tượng có thể áp dụng tần suất (1ngày, 3 ngày hoặc 7 ngày/lần) và các phương pháp xét nghiệm test nhanh kháng nguyên mẫu gộp hay realtime RT-PCR mẫu gộp.
Đối với thực hiện tầm soát tại các khu dân cư, tổ dân phố, sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên SARS-CoV-2 từ 10% đến 20% tổng số dân cư với tần suất từ 7 - 10 ngày/lần bằng phương pháp realtime RT-PCR mẫu gộp hoặc test nhanh kháng nguyên mẫu gộp.