Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nhằm kích cầu du lịch: Tìm giải pháp căn cơ hơn

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đề xuất của Tổng cục Du lịch kéo dài kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 nhằm kích cầu du lịch đã bị bác, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, căn cơ vẫn là vực dậy các ngành kinh tế qua đó vực dậy cả nền kinh tế nói chung. Là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho ngân sách hàng năm đều tăng cao, cùng với đó là thu hút nguồn lực lao động lớn, có nhiều cơ hội phát triển song cũng cần thấy một thực tế là các ngành khác phát triển thì du lịch mới phát triển, không phải người dân lấy tiền dự trữ để đi du lịch.

Du khách tham quan Cầu Vàng tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills dịp nghỉ lễ 30/4/2020
Khi Việt Nam vẫn đang tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài để phòng, chống dịch Covid-19 thì ngành du lịch phải tập trung kích cầu du lịch nội địa. Sau khi Việt Nam kết thúc giãn cách xã hội, từ đầu tháng 5, Bộ VHTT&DL đã phát động chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, hàng loạt chương trình khuyến mãi, kích cầu được các DN hàng không, du lịch lữ hành triển khai đồng bộ. Chính phủ cũng mong muốn hỗ trợ tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Nếu du lịch tăng trưởng thì sẽ kéo theo sự tăng trưởng của tiêu dùng, kích thích ngược lại sản xuất.
Tuy nhiên, ngay tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sau đại dịch Covid-19, các DN đều muốn tập trung phục hồi sản xuất, nếu lại kéo dài kỳ nghỉ lễ nữa thì sẽ gây khó cho DN. Kích cầu là một nhiệm vụ rất quan trọng để khôi phục ngành du lịch hậu Covid-19 nhưng kéo dài các kỳ nghỉ lễ có hợp lý không? Đặc biệt có vi phạm Luật Lao động hay không? Luật Lao động đã quy định cụ thể về ngày nghỉ lễ trong năm, dù có muốn kích cầu du lịch thì cũng không thể phạm luật, nghỉ triền miên. Chưa kể, nghỉ quá nhiều sẽ khiến sản xuất, kinh doanh đình trệ, DN bị thiệt hại nặng nền, lỡ mất thời cơ, phá vỡ cam kết với đối tác..., đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn chưa kết thúc".
Chính vì thế nếu đề xuất của ngành du lịch được xem xét thì cũng phải cân đối, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Báo cáo của Tổng cục Thống kê tính đến cuối tháng 4/2020, Covid-19 khiến gần 5 triệu lao động phải ngừng hoặc mất việc, kéo tỷ lệ người có việc làm xuống thấp nhất trong mười năm; riêng ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%.